Vụ MV của Sơn Tùng: Báo chí nhanh chóng nâng cao nhận thức xã hội

Từ vụ việc MV ca nhạc “There’s no one at all” của ca sỹ Sơn Tùng M-TP, báo chí và mạng xã hội diễn ra cuộc tranh luận về quyền sáng tạo, phổ biến tác phẩm, quyền tự do bày tỏ chính kiến trên mạng.
Vụ việc MV ca nhạc của Sơn Tùng M-TP cho thấy báo chí đã nhanh chóng tiếp cận dưới góc độ quyền tự do bày tỏ ý kiến. (Ảnh: M-TP Entertainment)

Vụ việc MV ca nhạc “There’s no one at all” của ca sỹ Sơn Tùng M-TP là một minh chứng cho thấy báo chí đã nhanh chóng có bài tiếp cận từ góc độ quyền tự do bày tỏ ý kiến, rất có ích cho việc nâng cao nhận thức xã hội về quyền này.

Đó là nhận xét của ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông trong hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại, diễn ra ngày ngày 20/5 tại Hà Nội.

Từ vụ việc trên, báo chí và mạng xã hội diễn ra cuộc tranh luận khá lý thú về quyền sáng tạo, phổ biến tác phẩm, quyền tự do bày tỏ chính kiến trên mạng internet với giới hạn của quyền này liên quan đến chuẩn mực đạo đức, trật tự an toàn xã hội.

Nhiều bài báo đã có cách tiếp cận vụ việc theo hướng tự do ngôn luận, tự do intemet như: “Sơn Tùng M-TP tự do sáng tạo nhưng cần có trách nhiệm với xã hội và người hâm mộ” (VOV), “Trách nhiệm của sáng tạo” (báo Sài Gòn Giải Phóng), “Giới trẻ nghĩ gì về MV của Sơn Tùng M-TP?” (Dân trí) và “Vụ MV của Sơn Tùng: Nghệ sỹ cần nâng tầm văn hóa và trách nhiệm xã hội” (VietnamPlus).

Theo báo cáo của Cục Thông tin đối ngoại: “Từ sự việc này cho thấy cách báo chí có thể tiếp cận vấn đề quyền con người từ nhiều góc độ rất sinh động, phân tích chuyên sâu về các quyền và giới hạn của quyền. Không chỉ là vấn đề cấm hay không cấm mà là làm thế nào để người dân thụ hưởng tối đa quyền của cá nhân hài hòa với lợi ích công cộng và an ninh trật tự, nhất là với cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.”

Tại hội nghị, Cục trưởng Đoàn Công Huynh đã điểm lại công tác tuyên truyền trong tháng và đánh giá báo chí đã phản ánh khá đầy đủ, kịp thời về mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Báo chí đã phát hàng ngàn tin bài về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong nửa cuối tháng Năm và tháng Sáu, Cục Thông tin đối ngoại đề nghị báo chí tiếp tục thông tin đầy đủ, đậm nét về các hoạt động chính trị-đối ngoại, các thông điệp về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước thông qua các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương.

Báo chí cũng cần duy trì luồng thông tin chủ lưu về các chủ trương, chính sách và kết quả tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam thông qua SEA Games 31; phản ánh việc Việt Nam mở cửa trở lại, an toàn, thân thiện, mến khách, năng động, giàu tiềm năng phát triển; tranh thủ khai thác, đẩy mạnh thông tin nhận định tích cực của các đối tác nước ngoài về tiềm năng, triển vọng phát triển đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục