Vụ mua bán người qua biên giới: Hỗ trợ đưa 5 nạn nhân về địa phương

Đây là 5 nạn nhân tiếp theo được hỗ trợ đưa về địa phương an toàn sau khi Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tiếp nhận 2 công dân từ lực lượng Cảnh sát Biên phòng Campuchia trao trả trước đó (ngày 3/7).
Đối tượng Trần Quang Quyết, mắt xích quan trọng trong vụ án mua bán người Việt Nam sang Campuchia. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Sáng 7/7, tại Đồn Biên phòng Ia O, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, lực lượng Biên phòng tỉnh đã trao trả 5 nạn nhân cho gia đình sau vụ lừa đảo đưa người sang Campuchia.

Đây là 5 nạn nhân tiếp theo được hỗ trợ đưa về địa phương an toàn sau khi Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tiếp nhận 2 công dân từ lực lượng Cảnh sát Biên phòng Campuchia trao trả trước đó (ngày 3/7). Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đang lấy lời khai để phục vụ công tác mở rộng điều tra.

Trung tá Đinh Công Thông, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết sau khi trao trả 5 công dân trên địa bàn trở về địa phương, lực lượng Biên phòng sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số về những thủ đoạn mua bán người, đồng thời, cảnh báo đồng bào cảnh giác với đối tượng chuyên dụ dỗ nhằm đưa người xuất cảnh trái phép với lời hứa việc nhẹ, lương cao...

[Gia Lai: Thanh niên 21 tuổi lừa bán 7 người sang Campuchia]

Liên quan đến đường dây lừa bán 7 người Jrai ở xã Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai xảy ra cuối tháng 6/2022, Đồn Biên phòng Ia O đã quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội danh "Mua bán người" theo Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồn Biên phòng Ia O cũng bàn giao hồ sơ vụ án cùng đối tượng Trần Quang Quyết, sinh năm 2001, trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum, cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.

Năm thanh niên vừa được lực lượng biên phòng tỉnh Gia Lai hỗ trợ đưa về địa phương an toàn từ việc tiếp nhận từ cảnh sát biên phòng Campuchia tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Theo lời khai ban đầu, vì cuộc sống khó khăn, đầu năm 2022, Quyết vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, rồi bị lừa sang Campuchia làm việc trong công ty do người Trung Quốc quản lý. Tháng 6/2022, không đáp ứng được công việc, Quyết nợ công ty hơn 100 triệu đồng. Khi đó, có 2 người phụ nữ gốc Việt tại đây gợi ý, nếu tìm và đưa được người trong nước sang Campuchia trót lọt sẽ được trả khoảng 700 USD/người.

Sau đó, vào các ngày 19-20/6, Quyết liên lạc và mời 7 thanh niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai vào tỉnh Tây Ninh làm việc nhẹ, với mức lương tháng từ 18-20 triệu đồng. Với lời mời gọi hấp dẫn, đối tượng Quyết đã lôi kéo, dụ dỗ được 7 thanh, thiếu niên tại làng Kloong và đưa 7 người này xuất cảnh trái phép sang Campuchia, vào làm việc trong một công ty của người Trung Quốc.

Tại một diễn biến có liên quan, ngay trong sáng 7/7, Đồn Biên phòng Ia Chía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai đã tiếp nhận một nạn nhân nữ người Jrai cũng bị lừa xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc nhẹ, lương cao. Nạn nhân này đã trở về địa phương trong đêm 6/7.

Vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục