Liên quan đến vụ MobiFone mua AVG, trong cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (cùng nguyên là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nêu quan điểm cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả, áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị can, nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.
Áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự
Trong nhóm 13 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 220 - khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định: Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Bắc Son thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội và nhận trách nhiệm trước pháp luật với vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Trong giai đoạn truy tố, bị can chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông; không thừa nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án như kết luận của Cơ quan điều tra.
Nhưng với kết quả điều tra, Viện Kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện.
Do vậy, Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện, khởi tố và truy tố.
Các bị can Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang đều thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội, phối hợp với Cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại cho Nhà nước. Bị can Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lời bất chính.
Các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên đều có lý lịch nhân thân tốt, gia đình chính sách, có truyền thống cách mạng. Quá trình công tác các bị can có nhiều thành tích được Nhà nước và các cơ quan đơn vị ghi nhận.
[Vụ MobiFone mua AVG: Chất xúc tác giúp bán AVG với giá cao]
Đối với các bị can Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người tiếp nhận sự chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện các chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son nhưng vai trò của từng bị can có mức độ khác nhau.
Đối với các bị can Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang có vai trò, mức độ phạm tội thấp hơn các bị can khác.
Do vậy, cần phân hóa vai trò, hành vi và ý thức trách nhiệm đối với hậu quả của từng bị can để quyết định hình phạt và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với từng bị can.
Đối với nhóm hành vi của 4 bị can bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015, Viện Kiểm sát cho rằng: Trong quá trình điều tra, các bị can này đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội và có trách nhiệm trong việc khắc phục số tiền đã chiếm đoạt.
Cụ thể, bị can Lê Nam Trà đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD (tương đương số tiền 55.592.500.000 đồng); bị can Cao Duy Hải đã tác động gia đình nộp số tiền 11,6 tỷ đồng (tương đương 500.000 USD); bị can Trương Minh Tuấn nộp 4.120.000.000 đồng (tương đương gần 200.000 USD). Riêng bị can Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền.
Do đó, theo Viện Kiểm sát, khi xem xét quyết định hình phạt đối với tội danh này cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả, áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị can nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.
Áp dụng nguyên tắc xử lý khoan hồng đối với Phạm Nhật Vũ
Trong bản Kết luận điều tra số 73/C03-P14 ngày 31/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị: “quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ” (Phạm Nhật Vũ nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG).
Còn trong bản Cáo trạng số 89/CTr-VKSTC-V3 ngày 17/10/2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao không nêu về việc này song ghi nhận Phạm Nhật Vũ có "những tình tiết giảm nhẹ đáng kể," cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 để quyết định mức hình phạt cho bị can Vũ.
Cụ thể, bị can Phạm Nhật Vũ mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra, nhưng trước khi khởi tố vụ án Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone gồm: 8.445 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và 329 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án.
Đồng thời, Phạm Nhật Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để Cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Do đó, không xử lý trách nhiệm của Phạm Nhật Vũ về hành vi này.
Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Ngoài ra, bị can Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29/6/2019, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có giấy ghi nhận Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa... và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ Quốc tế của Giáo hội; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, Viện Kiểm sát xác định, cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại Điều 3, khoản 1, điểm d - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xử lý “khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.”
Đồng thời, cần áp dụng Điều 51, khoản 1, 2 (về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ nêu trên của bị can Phạm Nhật Vũ./.