Chiều 21/12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), các bị cáo và luật sư đã trình bày nhiều quan điểm, luận cứ nhằm bào chữa, giảm nhẹ hành vi cho các bị cáo.
Đáng lưu ý, nhiều bị cáo tại phiên tòa đã đưa ra các chứng cứ có nội dung không chỉ bào chữa cho mình mà còn bào chữa cho các bị cáo khác trong vụ án.
Trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nêu dẫn chứng về cuộc họp ngày 2/10/2015 do bị cáo Phạm Đình Trọng triệu tập. Cuộc họp đó là để thực hiện Thư công tác của bị cáo Nguyễn Bắc Son (khi đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) nhằm bàn giải pháp đối với hai mảng đầu tư ngoài truyền hình.
Bị cáo Phạm Đình Trọng thừa nhận đã mời toàn thể Hội đồng Thành viên và Ban Tổng Giám đốc MobiFone, trong đó có cả những người không có chuyên môn, chức trách liên quan đến dự án, làm họ liên đới chịu trách nhiệm.
Liên quan đến bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), bị cáo Trọng cho rằng trong việc chấm dứt hợp đồng và thu hồi vốn, khắc phục hậu quả của vụ án, bị cáo Trương Minh Tuấn chỉ đạo rất tích cực.
[Bị cáo Nguyễn Bắc Son động viên gia đình nộp hết số tiền 3 triệu USD]
Trong hai tuần, bị cáo Trương Minh Tuấn đã ký 5 trong 6 văn bản thu hồi vốn về cho MobiFone, chỉ đạo ba cuộc họp để thống nhất ký biên bản chấm dứt thỏa thuận mua cổ phần, thu hồi hết tiền về cho MobiFone.
Theo bị cáo Phạm Đình Trọng, trong việc chấm dứt thỏa thuận này, ngoài tác động của Thanh tra Chính phủ, còn có tác động rất mạnh mẽ của cá nhân bị cáo Trương Minh Tuấn và sự tham mưu của bị cáo Trọng.
Về phần mình, bị cáo Phạm Đình Trọng cho biết đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong vụ án này. Đồng thời, bị cáo thừa nhận tội danh và cảm ơn kết luận điều tra cũng như cáo trạng của Viện Kiểm sát đã phân hóa, đánh giá đúng bản chất của sự việc, đồng thời ghi nhận được vai trò của cá nhân bị cáo.
Bị cáo Phạm Đình Trọng cũng cho rằng bản thân có chuyên môn tốt về mảng tài chính và nhận thức được rằng đây là dự án rất lớn. Vì thế, bị cáo đã cố gắng nghiên cứu để chứng minh rằng dự án này phải thực hiện theo Luật số 67, Thủ tướng Chính phủ phải có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong quá trình đó, nhiều văn bản do bị cáo Trọng soạn thảo đều chú ý nêu rõ điều này. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Bắc Son đều gạch bỏ những nội dung mà bị cáo Trọng đã lưu ý. Hơn nữa, trong các văn bản trả lời Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ chức năng cũng khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền phê duyệt dự án.
Liên quan đến việc bị cáo Trương Minh Tuấn ký Quyết định 236, bị cáo Trọng một lần nữa khẳng định bị cáo Tuấn đã gặp bị cáo Nguyễn Bắc Son trình bày những băn khoăn về việc bị cáo Tuấn không phụ trách lĩnh vực doanh nghiệp, nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo bị cáo Trương Minh Tuấn ký quyết định quan trọng này.
Trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao khả năng chuyên môn của các cán bộ cấp dưới và các lãnh đạo MobiFone. Các bị cáo đã thành khẩn và có ý thức cố gắng khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Tuấn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, tha thứ và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng và làm người có ích cho xã hội.
Bị cáo Trương Minh Tuấn xúc động cho rằng “quá khứ rồi cũng như nước trôi qua cầu, không thể quay lại được,” chỉ có sự tha thứ mới có thể giúp khắc phục được hậu quả cả về tinh thần và vật chất trong tương lai.
Tương tự bị cáo Tuấn, trong các phiên xét xử trước đó, các bị cáo: Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone)… sau khi tự bào chữa cho mình cũng đã bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử cho các bị cáo đồng phạm trong vụ án được hưởng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ mức án cho các bị cáo.
Trong quá trình bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn, luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng nếu đánh giá một cách công bằng thì cần nhìn nhận sự cố gắng của bị cáo Phạm Nhật Vũ và gia đình bị cáo Vũ.
Nếu bị cáo Trương Minh Tuấn và các bị cáo khác có cố gắng đến đâu mà bị cáo Phạm Nhật Vũ cùng gia đình không tự nguyện khắc phục hậu quả thì vụ án này còn nhiều hệ lụy, các mức án đã không được như đại diện Viện Kiểm sát đề nghị.
Chủ nhật (ngày 22/12), phiên tòa tạm nghỉ. Sáng Thứ 2 (ngày 23/12), phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát./.