Vụ mía đường 2014-2015: Vẫn còn khó khăn trong tiêu thụ

Một số nhà máy đường ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ ép mía 2014-2015; giá thu mua mía cho nông dân tiếp tục giảm.
Vụ mía đường 2014-2015: Vẫn còn khó khăn trong tiêu thụ ảnh 1Đóng bao đường thành phẩm tại Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Một số nhà máy đường ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào vụ ép mía 2014-2015.

Giá thu mua mía cho nông dân của các nhà máy đường tiếp tục giảm so với niên vụ trước. Thua lỗ, thậm chí gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhiều vùng nguyên liệu mía đã được người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Trong khi đó, giá đường vẫn trên đà giảm, ngành mía đường tiếp tục phải đối mặt với thách thức từ đảm bảo vùng nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm.

Áp lực giá đường giảm

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến giữa tháng 10 vừa qua, các nhà máy đã ép được 416.000 tấn mía, sản xuất được 36.800 tấn đường. Lượng đường tồn kho của các nhà máy còn 202.500 tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng đường tồn kho cao hơn 43.000 tấn và lượng đường sản xuất cũng cao hơn 7.100 tấn.

Trong tháng vừa qua, Việt Nam cũng không xuất được đường sang Trung Quốc do giá quá thấp. Từ giữa tháng 10 năm nay, các đơn vị được phân quota nhập khẩu đường năm nay đã bắt đầu tiếp nhận đường nhập khẩu.

Cùng với đó, áp lực từ các nhà máy đường Đồng bằng sông Cửu Long, một số nhà máy ở Đông Nam Bộ, miền Trung và hầu hết các nhà máy tại miền Bắc sẽ vào vụ ép, nên nguồn cung đường tiếp tục được bổ sung và tồn kho ở mức cao nên giá đường trong nước khó được cải thiện. Cụ thể, giá bán đường trắng loại 1 (có thuế VAT) tại kho nhà máy từ 11.700 đến 12.500 đồng/kg, giảm so với tháng trước đó khoảng 600 đồng/kg và so với cùng kỳ năm trước giảm từ 2.500 đến 2.800 đồng/kg.

Theo ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội, với xu hướng giá đường ngày càng đi xuống, các doanh nghiệp đã không thể giữ được giá thu mua mía cho nông dân như trước. Vụ mía 2013-2014, giá thu mua mía đã giảm khoảng 100.000 đồng/tấn so với niên vụ 2012-2013. Vụ này, giá mía sẽ tiếp tục giảm từ 50.000 đến 100.000 đồng/tấn.

Cũng theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn niên vụ này là niên vụ thứ tư giá đường liên tục giảm. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng giá mua mía cho nông dân vẫn giữ được như vậy là một cố gắng rất lớn của các nhà máy đường.

Chứng minh cho những nỗ lực của các nhà máy đường trong việc đảm bảo giá mía hợp lý cho nông dân, ông Hà Hữu Phái cho biết: Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam vẫn khuyến cáo doanh nghiệp cần mua 1 tấn mía (tại ruộng) có giá bán tương đương 60kg đường (tại kho trước thuế).

Hiện giá bán tại nhà máy khoảng 10.000 đến 11.000 đồng/kg, như vậy giá thu mua mía được khuyến cáo chỉ vào khoảng 600.000 đến 660.000 đồng/tấn; nhưng hiện tại giá thu mua mía các nhà máy hầu hết trên 800.000 đồng/tấn, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo đó. Cụ thể, giá mua mía đạt 10 CCS (chữ đường) tại ruộng ở tỉnh Tây Ninh là 900.000 đồng/tấn, Hậu Giang 800.000 đồng/tấn, Sóc Trăng 786.000 đồng/tấn...

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong khi nguyên liệu mía hiện nay cung cấp cho các nhà máy đường có chất lượng thuộc loại thấp hơn thế giới (thế giới đạt 12,13 CCS, thậm chí có nước đạt 15,16 CCS) nhưng giá mía lại thuộc loại cao khoảng 45-50 USD/tấn (thế giới khoảng 30 USD/tấn). Đây là yếu tố chủ yếu làm giá thành đường của Việt Nam cao, làm yếu sức cạnh tranh.

Sở dĩ có tình trạng này vì năng suất và chất lượng mía thấp, mà muốn nông dân sống được bằng cây mía, các nhà máy đường phải mua mía cao, bình quân năng suất mía Việt Nam đạt khoảng 64,7 tấn/ha, trong khi thế giới có nhóm nước đạt 90-100 tấn/ha, ông Nguyễn Hải lý giải.

Ông Phái lo lắng, trong khi trong nước, các nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ đường, đường lậu vẫn tràn vào nhiều, nhất là ở An Giang mỗi ngày có khoảng 700 đến 1.000 tấn đường lậu được tuồn qua biên giới, cung cấp rộng khắp thị trường miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, giá đường bán buôn trên thị trường tại Hà Nội có sự tăng nhẹ trong khi giá đường tại miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giảm 100 đến 200 đồng/kg.

Phải xây dựng kế hoạch sản xuất

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, mía đường là một trong những ngành đi đầu trong việc gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Các nhà máy đường đã xác định, nguyên liệu là nhiệm vụ sống còn nên phát triển nguyên liệu đã được nhiều nhà máy quan tâm nhiều hơn trước.

Đa số các nhà máy đã xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung, gắn kết tương đối chặt chẽ với các nhà máy thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Hầu hết các công ty đã ứng vốn, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn mua sắm máy móc cơ giới hóa... cho người trồng mía. Giá thu mua mía đã được các công ty điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo thu nhập hợp lý cho người nông dân. Về kỹ thuật, công nghệ chế biến, ngành đường đã có những bước tiến vượt và đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, về phần nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất vẫn theo truyền thống, còn manh mún. Bình quân mỗi hộ ở Việt Nam chỉ sở hữu khoảng 0,5ha, trong khi ở các nước là hàng chục hécta. Bên cạnh đó, đất trồng mía hiện không phải là đất tốt nhất cho mía.

Ông Hà Hữu Phái cho rằng: với kỹ thuật và giống mía hiện nay nếu được trồng ở Đồng bằng sông Hồng hoàn toàn có thể đạt được năng suất 100 tấn/ha, nhưng đất trồng mía ở Việt Nam phần lớn là đất đồi dốc và sỏi đá, ở Đồng bằng sông Cửu Long hay ngập nước, bị lũ lụt... Nguyên nhân này đã dẫn đến việc cơ giới hóa trong sản xuất gặp rất khó khăn hoặc chỉ cơ giới hóa ở mức độ thấp.

Với thực tại sản xuất mía ở trong nước, ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty Đường Quảng Ngãi cho rằng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam nên nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất mía hiệu quả nhất, trên cơ sở phân phối hài hòa lợi ích giữa người sản xuất mía, người chế biến, người tiêu thụ. Để từ đó có chính sách hỗ trợ hiệu quả, các bên cùng phát triển, hài hòa lợi ích. Nếu giải được bài toán gốc này sẽ giải được các bài toán về năng suất, giá thu mua...

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, niên vụ 2014-2015, nguồn cung đường vẫn ở tình trạng vượt cầu, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các công ty mía đường cần động xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ đường năm 2015, đảm bảo cân đối cung cầu, giữ ổn định thị trường trong nước; đồng thời nghiên cứu thị trường, xây dựng phương án, kế hoạch xuất khẩu đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục