Vũ khí mới của Triều Tiên và thông điệp với Tổng thống Putin

Chuyên gia quân sự Nga Aleksandr Zhilin nhận định vũ khí mới của Triều Tiên có thể là tên lửa chiến thuật có dẫn đường mang đầu đạn đa năng, bao gồm đầu đạn hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ thử nghiệm vũ khí mới ngày 18/4. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Truyền thông Triều Tiên hôm 18/4 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát thử nghiệm vũ khí mới phát minh.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un nói rằng cuộc thử nghiệm vũ khí này là sự kiện có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân Triều Tiên.

Kết thúc giám sát thử nghiệm ông Kim Jong-un nói các nhà khoa học trong ngành công nghiệp quốc phòng và các nhà phát minh vũ khí đã thực hiện một công việc lớn lao nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước.

[Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt chân đến Vladivostok]

Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên mà Triều Tiên tiến hành kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un tại Hà Nội.

Người phát ngôn Nhà Trắng nói đã được biết thông tin về vụ thử nghiệm, nhưng không có bình luận gì thêm.

Truyền thông Triều Tiên không công bố chi tiết về vũ khí mới, chỉ nhấn mạnh rằng đây là loại tên lửa chiến thuật có điều khiển và mang theo đầu đạn có sức công phá lớn.

Chuyên gia quân sự Nga Aleksandr Zhilin nhận định vũ khí mới của Triều Tiên có thể là tên lửa chiến thuật có dẫn đường mang đầu đạn đa năng, bao gồm đầu đạn hạt nhân.

Hiện nay trong kho vũ khí của Triều Tiên có số lượng lớn các tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể mang nhiều loại đầu đạn khác nhau. Ưu điểm của loại tên lửa này là sức công phá lớn lớn, nhưng độ chính xác không cao và dễ bị đánh chặn.

Việc thử nghiệm tên lửa “có điều khiển” như trong tuyên bố của truyền thông Triều Tiên cho thấy nước này đã tiệm cận với công nghệ tên lửa hành trình.

Một số chuyên gia Nga phỏng đoán Triều Tiên có thể đã sao chép công nghệ của tổ hợp tên lửa chiến dịch chiến thuật Iskander-E mà Nga xuất khẩu cho Algeria.

Điểm khác nhau giữa tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chính là ở quỹ đạo bay khó đoán định gây khó khăn đáng kể cho việc đánh chặn.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, sẽ không thể đánh giá đầy đủ về sức mạnh của vũ khí mới trong bối cảnh thiếu thông tin về thông số kỹ chiến thuật. Đặc biệt, khi chưa rõ Triều Tiên đã thử nghiệm bao nhiêu vụ thử và tỉ lệ thành công, thì chưa thể đánh giá mức độ tin cậy của vũ khí mới.

Do đó, các nhà quan sát nhận định, vụ thử vũ khí mới mang mục đích chính trị nhiều hơn.

Thứ nhất, Bình Nhưỡng muốn gửi thông điệp “bất bình” tới Washington. Triều Tiên trước đó đã yêu cầu Mỹ loại Ngoại trưởng Pompeo ra khỏi danh sách các nhà đàm phán của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, nhưng yêu cầu này đã không được đáp ứng. Vì vậy, việc thử tên lửa có thể coi là cách Bình Nhưỡng thể hiện sự bất bình. Hành động này được đánh giá ở mức vừa phải đủ để Washington nhận được tín hiệu, nhưng không đi quá giới hạn đỏ là một cuộc thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa có thể làm cớ cho một cuộc tấn công toàn diện của Mỹ vào Triều Tiên.

Thứ hai, đây cũng là thông điệp dành cho Nga, trong bối cảnh vụ thử chỉ cách chuyến thăm chính thức Nga lần đầu đầu tiên của ông Kim Jong Un đúng 1 tuần lễ. Vũ khí mới được thông báo có tính chất tương tự như tổ hợp tên lửa Iskander của Nga, cho thấy Bình Nhưỡng muốn gửi thông điệp tới Moskva về việc họ có thể tạo ra vũ khí nguy hiểm như Nga đang sở hữu.

Trong bối cảnh Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy vũ khi tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) với Nga, thì vụ thử tên lửa của Triều Tiên có thể coi là một thông điệp ủng hộ lập trường của Nga trong việc thúc đẩy đàm phán đa phương về một Hiệp định mới có sự tham gia của nhiều quốc gia đang sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, bao gồm Mỹ và Trung Quốc (đây là cớ mà Mỹ tuyên bố khi rút khỏi INF).

Việc Triều Tiên chứng tỏ sở hữu công nghệ tên lửa mới và thiếu cơ chế chung ngăn ngừa Triều Tiên “xuất khẩu” công nghệ có thể sẽ là đề tài đòi hỏi phải có thảo luận ở cấp cao giữa Nga và Mỹ. Ở góc độ này, vụ thử vũ khí rõ ràng nhằm làm tăng vị thế của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong đàm phán với Tổng thống Nga Putin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục