Vũ khí hạt nhân - Mối đe dọa còn khủng khiếp hơn cả COVID-19

Mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân lại không cho phép con người chờ đợi, bởi khi bùng phát, mọi sự chuẩn bị cũng đều có thể trở thành vô nghĩa và lựa chọn duy nhất đối với mối đe dọa này là ngăn ngừa.
Vũ khí hạt nhân - Mối đe dọa còn khủng khiếp hơn cả COVID-19 ảnh 1Vũ khí hạt nhân còn khủng khiếp hơn cả COVID-19. (Nguồn: Getty Images)

Theo Kyodo, người ta hiện vẫn chưa xác định được chính xác nguồn gốc dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) và cuộc chiến chống lại đại dịch này đang làm dấy lên những lo ngại về một mối đe dọa “bất ngờ” khác có thể gây ra những tàn phá lớn hơn nhiều.

Thảm kịch từ COVID-19 là điều cần được ưu tiên giải quyết ở thời điểm hiện tại, và thực tế những gì đang diễn ra càng cho thấy sự cần thiết của công tác chuẩn bị.

Trong khi đó, mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân lại không cho phép con người chờ đợi, bởi khi bùng phát, mọi sự chuẩn bị cũng đều có thể trở thành vô nghĩa và lựa chọn duy nhất đối với mối đe dọa này là ngăn ngừa.

Nhiều cuộc thử nghiệm đã cho thấy rằng chỉ một cuộc xung đột hạt nhân ở mức giới hạn cũng có thể sẽ đem lại những hậu quả tồi tệ đối với cả hành tinh.

[Đánh giá về khủng hoảng toàn cầu hóa từ dịch bệnh COVID-19]

Vẫn còn rất nhiều điều phải làm để nâng cao nhận thức của dư luận về các rủi ro hạt nhân, cũng như nâng cao quyết tâm chính trị trên toàn thế giới nhằm giải quyết các nguy cơ này một cách hợp lý và hiệu quả.

Tuy nhiên, đã có những tin tức tích cực. Mặc dù các nhà khoa học hiện đang phải chạy đua nhằm tìm kiếm một loại vắcxin hiệu quả để phòng ngừa loại virus mới, trong khi những nhà nghiên cứu khác đã dành nhiều thập kỷ để phát triển và triển khai các biện pháp nhằm giải quyết những mối đe dọa do chính con người tạo ra - vũ khí hạt nhân.

Từ vụ thử bom nguyên tử đầu tiên cách đây 75 năm, sự kiện khiến bầu trời đêm rực sáng như ban ngày ở New Mexico, Mỹ, người ta đã thúc đẩy một lộ trình song song để giảm thiểu những rủi ro từ vũ khí hạt nhân, và khoa học luôn ở tiền tuyến trong những nỗ lực này.

Tháng 3/2020 đánh dấu 50 năm ngày thiết lập Hiệp ước Chống Phổ biến Hạt nhân (NPT), một văn bản có sự đồng thuận của 191 quốc gia. NPT được cho là đã tạo ra sự thay đổi lớn giữa kịch bản “thả nổi” các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân với thực tế là kiềm chế số lượng các quốc gia sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này chỉ ở mức một chữ số.

Do dịch COVID-19, hội nghị đánh giá NPT dự kiến diễn ra tháng 4 này tại New York đã phải tạm hoãn. Dù NPT vẫn tồn tại song ở thời điểm hiện tại, đang có không ít lo ngại về việc các nước vi phạm thỏa thuận kiểm soát vũ khí, về những khoảng đầu tư khổng lồ đổ vào việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và về nguy cơ những vũ khí tân tiến tạo nên mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng.

Ngăn chặn việc phát triển vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để xóa bỏ mối đe dọa hủy diệt của nó. Không thể thử nghiệm vũ khí hạt nhân, đồng nghĩa với việc người ta cũng không thể quyết định xem loại vũ khí ấy có hiệu quả để từ đó tiến tới phát triển hay không. Đây cũng chính là mục tiêu của Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT), cấm tất cả các vụ thử hạt nhân trên toàn thế giới.

Với sự tham gia của 184 nước, đây là một trong những hiệp ước kiểm soát vũ khí có được sự ủng hộ quy mô nhất - một thành quả to lớn trên chặng đường từ vụ thử đầu tiên năm 1945 tới mục tiêu giải giáp hạt nhân.

Quan trọng nhất, lệnh cấm này có sự hậu thuẫn của một cơ chế kiểm chứng hiệu quả, với một hệ thống giám sát công nghệ cao hiện diện trên toàn cầu, và ở cả dưới các đại dương, giúp ghi nhận và báo cáo những xung chấn của một vụ nổ hạt nhân, nếu có.

Tính tới tháng 12/2019, đã có 300 hạ tầng giám sát này được lắp đặt trên toàn thế giới (mục tiêu là 337 hạ tầng), và mạng lưới này đã cho thấy hiệu quả vận hành khi phát hiện thành công toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên từng thực hiện.

Tuy nhiên, CTBT vẫn đối mặt với những rủi ro về pháp lý bởi thiếu sự cam kết của Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Pakistan, Triều Tiên và Mỹ, lệnh cấm này khó có thể phát huy hiệu quả ràng buộc theo luật pháp quốc tế.

Cũng như dịch bệnh phi biên giới COVID-19, vũ khí hạt nhân sẽ để lại những hậu quả vượt quá phạm vi quốc gia. Cả hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân và cấm thử nghiệm hạt nhân đều là những thành quả quốc tế quan trọng vốn không thể đạt được nếu thiếu một cách tiếp cận tổng lực trên toàn cầu, cụ thể là chủ nghĩa ngoại giao đa phương và hợp tác về khoa học.

Người ta sẽ không thể giải quyết những thách thức hiện nay nếu không củng cố cách tiếp cận này. Các quốc gia cần phải mở rộng tầm nhìn hạn hẹp và hiểu rằng thế giới là đa diện. Người ta cần phải thúc đẩy những công cụ mới củng cố hơn quan hệ ngoại giao cũng như những nguồn lực vốn làm nền tảng cho những mối quan hệ này.

Mối quan hệ giữa ngoại giao và khoa học chính là điều cần được thúc đẩy mạnh mẽ nhất ở thời điểm này. Việc tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề chính trị là không đơn giản song ngôn ngữ trung lập của khoa học có thể là nền tảng để đề ra những quyết sách mạnh mẽ, và cũng là yếu tố giúp xây dựng lòng tin đa phương, đúng như những gì dịch COVID-19 đang cho thấy.

Sức mạnh của thiên nhiên là vô hạn và trong tương lai loài người rất có thể sẽ phải đối mặt với những dịch bệnh chết người khác nữa. COVID-19 đã cho thấy rõ những hệ quả tang thương từ việc thiếu sự chuẩn bị thích đáng, song cuộc chiến để giảm thiểu những di chứng vẫn đang tiếp diễn.

Vũ khí hạt nhân thậm chí còn không cho chúng ta những lựa chọn ấy. Chúng ta có thể còn không có cơ hội để giảm thiểu những hệ quả mà nó để lại, và cách duy nhất chỉ là phòng ngừa.

Khi xung đột hạt nhân diễn ra, con người sẽ chẳng có “đường cong” biểu đồ nào để làm phẳng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục