Vụ Khá Bảnh: ‘Giang hồ 4.0’ và nỗi lo con trẻ xem gì trên Internet?

Một "giang hồ" trên mạng Internet đăng tải hàng trăm video clip kệch cỡm, tục tĩu thu hút tới 2 triệu lượt theo dõi khiến nhiều người không khỏi lo ngại về thứ mà con trẻ đang xem tự do trên YouTube.
Khá Bảnh nổi tiếng nhờ các hành động gây lố. (Nguồn: MNewsvn.com)

Cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ, Internet trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Trên môi trường đó, YouTube-mạng xã hội chia sẻ video của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm Google đã và đang thu hút nhiều người truy nhập để giải trí và học tập.

Thế nhưng, cũng chính từ mạng xã hội ấy ngày càng xuất hiện những ‘hạt sạn’ lớn, tác động sâu rộng tới cộng đồng mà khi nhìn lại, không ít người phải giật mình.

‘Tá hỏa’ vì con xem clip bậy

Đang lúi húi nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều, chị Dung Nguyễn (Hoàng Mai, Hà Nội) giật mình bởi những tiếng chửi bậy phát ra ngoài phòng khách. Chạy ra xem, chị thấy cậu con trai 8 tuổi đang chăm chú theo dõi trên màn hình một thanh niên xăm trổ đang văng những câu chửi thề tục tĩu, chợ búa…

Vừa cầm chiếc điều khiển chuyển TV sang những kênh thiếu nhi khác, đứa con khóc thét vì mẹ không cho xem ‘thần tượng.’ Thế nhưng, bản năng làm mẹ không cho phép chị Dung Nguyễn “thỏa hiệp” với con nhỏ, bởi chị hiểu một đứa trẻ sẽ dễ dàng học đòi, từ đó bị ảnh hưởng bởi những clip dung tục.

Tìm hiểu, chị Dung Nguyễn biết rằng đó là clip trong kênh của “thánh chửi” Dương Minh Tuyền đang gây bão trên mạng.

[Khá Bảnh - Hiện tượng đáng báo động trên mạng xã hội]

Ở một trường hợp khác, anh Trần Trung (Thanh Trì, Hà Nội) cũng rất ngạc nhiên vì cậu bé 5 tuổi của gia đình đột nhiên hay sử dụng những từ ngữ bậy bạ trong khi nói chuyện, rồi thường xuyên đòi bố mẹ mua súng, mua dao đồ chơi… để múa may. Điện thoại hỏi cô giáo mầm non, anh Trung nhận được câu trả lời không có hiện tượng đó xảy ra ở lớp học, trong khi ở nhà, cả anh và vợ đều rất tiết chế khi dùng từ ‘lóng’ trong trò chuyện vì sợ con nhỏ học theo. Tìm hiểu, anh mở chiếc máy tính bảng thường dành cho con xem YouTube và giật mình khi thấy những clip con anh xem đều có những hành động bạo lực, ngôn từ ‘thiếu chuẩn mực.’

“Quá nguy hiểm. Từ đó, tôi đã ‘thiết quân luật,’ chỉ cho phép cháu sử dụng smartphone xem YouTube những lúc có người lớn và những kênh được phép truy cập là về chuyện cổ tích, quà tặng cuộc sống, Doremon…,” anh Trung tâm sự.

Tìm nội dung phản cảm trên YouTube: Dễ như ăn kẹo

Trên thực tế, chỉ cần ấn nút tìm kiếm với những từ mang tính khóa phản cảm trên YouTube, lập tức người dùng có thể thấy hàng loạt kết quả. Thậm chí, với công nghệ hiện nay, sau khi clip này kết thúc, clip khác có liên quan sẽ được tự động phát. Đáng chú ý là nhiều trường hợp người dùng ban đầu chọn các clip chính thống, nhưng các clip liên quan và tự động phát lại có nội dung khá nhảm, thậm chí có clip đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật, vu khống, bôi xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước…

Nổi đình nổi đám gần đây là Khá Bảnh – “giang hồ 4.0” trên môi trường mạng. Không học hết trung học cơ sở, tới năm 17 tuổi, Khá gây rối trật tự công cộng vì và phải vào trại giáo dưỡng. Sau đó, Khá về quê nhưng lại bị xử lý cùng hành vi. Tới năm 2017, sau 5 tháng tù, Khá được tự do và trở về địa phương nhưng giao du với nhiều thành phần bất hảo.

Cũng trong năm 2017, Khá bắt đầu làm những video đăng tải trên mạng xã hội YouTube. Trong đó có rất nhiều video với lời lẽ tục tĩu, hành vi giang hồ… Thế nhưng, điều bất ngờ là kênh YouTube với hơn 400 clip này lại thu hút một lượng người theo dõi không nhỏ: 2 triệu lượt tính tới trước thời điểm bị gỡ hạ (ngày 3/4).

Những clip của Khá Bảnh, ‘thánh chửi’ Dương Minh Tuyền cũng như nhiều YouTuber khác ,với lối dẫn chuyện bằng những hành vi trái với chuẩn mực xã hội, đã gây ảnh hưởng không ít với trẻ nhỏ. Một số độc giả tâm sự rằng, con của họ từng ước ao sau này lớn lên trở thành YouTuber và “thần tượng” Khá Bảnh vì “anh ấy làm những thứ đơn giản mà vẫn kiếm được tiền.”

Người viết từng nhìn thấy không ít lần những người nông dân, vốn lâu nay chỉ quen với đồng ruộng một nắng hai sương, chăm chú theo dõi những clip trên YouTube có với nội dung xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.. . Trong số họ, không ít người đã bán tín bán nghi trước thông tin đưa ra các clip này và lập luận rằng “trên mạng nói thế” và minh chứng là “có cả video, hình ảnh”…

Ở trường hợp Khá Bảnh, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc những clip dung tục lại thu hút giới trẻ với nhiều lượt xem, lượt theo dõi đến vậy? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo với những phân tích từ giới chuyên gia.

Bài 2: Giải mã hiện tượng thần tượng ‘lệch chuẩn’ trong giới trẻ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục