Sau gần 1 ngày xét xử, cuối giờ chiều 14/1, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 3 bị cáo trong vụ án học sinh Trường Tiểu học Gateway (thuộc Trường phổ thông liên cấp Gateway) tử vong trên xe đưa đón.
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bích Quy (sinh năm 1964, nhân viên giám sát trên xe của Công ty Ngân Hà) mức án từ 20 tháng tù đến 24 tháng tù; bị cáo Doãn Quý Phiến (sinh năm 1966, lái xe ôtô đưa đón học sinh Trường Tiểu học Gateway) từ 15 tháng tù đến 18 tháng tù về cùng tội “Vô ý làm chết người.”
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway) bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 12 tháng tù đến 15 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, qua phần xét hỏi và tài liệu có trong hồ sơ, đủ cơ sở xác định, ngày 6/8/2019, bị cáo Nguyễn Bích Quy do cẩu thả, bị cáo Doãn Quý Phiến do không kiểm tra khoang hành khách, dẫn đến việc cháu Lê Hoàng L. bị bỏ quên và tử vong trên xe ôtô.
Bị cáo Thủy không thực hiện trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm khi cháu L. không đến lớp nhưng không báo cho gia đình cháu L., dẫn đến cháu bị bỏ quên trên xe.
Ngay từ khi nhận được nguồn tin tội phạm, cơ quan điều tra đã thu thập chứng cứ, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, thực hiện lấy lời khai nhân chứng, tất cả đều có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư.
Các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ đúng quy định pháp luật, có giá trị chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, vụ án có 3 bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của cháu L. Nhưng đây không phải là vụ án đồng phạm. Các bị cáo đều nhận thức được trách nhiệm của mình và phải lường trước được hậu quả xảy ra.
Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện với lỗi vô ý, tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng thực tế đã xảy ra cái chết của cháu L. trên xe đưa đón. Hành vi của các bị cáo có mối quan hệ nhân quả với hậu quả đã xảy ra. Do đó, cần thiết phải xử nghiêm minh với các bị cáo để đảm bảo giáo dục và phòng ngừa chung.
Công tố viên phân tích, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến quyền sống của cháu L. Mỗi bị cáo đều đủ năng lực, trách nhiệm trong công việc được giao, nhưng đã không thực hiện đúng quy định, gây nên cái chết của cháu bé khi mới 6 tuổi.
Hành vi phạm tội của các bị cáo đã chấm dứt con đường tới trường của cháu L. khi cháu mới vừa đi học vài buổi đầu tiên, gây đau thương, mất mát cho gia đình cháu; gây ra sự suy sụp về tâm lý, tình cảm, tác động đến toàn bộ cuộc sống gia đình cháu L.
Đối với ngành giáo dục, đây cũng là việc hy hữu, tác động không nhỏ đến uy tín của ngành. Vụ việc là tiếng chuông cảnh tỉnh trong công tác quản lý học sinh tại các trường học.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và được Viện Kiểm sát coi đây là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định bản cáo trạng truy tố đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị mức án, các luật sư bào chữa đã tham gia tranh luận, nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo./.