Sau vụ cháy dữ dội tại chợ Phố Hiến, thành phố Hưng Yên, hàng trăm tiểu thương vẫn đang mong chờ những câu trả lời xác đáng của các cấp chính quyền về các vấn đề có liên quan.
Trong khi đó, cuộc họp giữa với chủ đầu tư sáng ngày 20/3 vẫn chưa đạt được kết quả.
Vào chợ... không bảo hiểm
Trước đó như Vietnam+ đã đưa tin, tối 19/3, một đám cháy lớn đã xảy ra tại chợ Phố Hiến, thành phố Hưng Yên. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm và thiêu rụi toàn bộ khu chợ hai tầng. Mặc dù lực lượng cứu hỏa đã được huy động thêm từ các tỉnh lân cận nhưng phải mất gần 10 giờ, ngọn lửa mới được khống chế.
Đến sáng ngày 20/3, theo giấy mời họp của Ủy ban nhân dân thành phố Hưng Yên, các tiểu thương buôn bán tại khu chợ này đã tiến hành họp mặt với chủ đầu tư, Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Hoàng Phát.
Tại cuộc họp, phía chủ đầu tư bước đầu đưa ra đề nghị bà con tiểu thương cùng chung tay với doanh nghiệp trong việc khắc phục sự cố.
Chị Nguyễn Thị Lan, ki ốt số 235 cho hay: “Phía Hoàng Phát đưa ra đề nghị sẽ đền bù cho chúng tôi nhưng cụ thể là bao nhiêu thì họ không nói rõ.”
Cũng theo tiểu thương này, hàng trăm bà con ở chợ Phố Hiến cũng nhận được lời đề nghị tạm thời dời ra chợ tạm để kinh doanh buôn bán tiếp.
“Hoàng Phát không thu phí khi buôn bán ở địa điểm mới này,” bà Ngân, một tiểu thương kinh doanh tại chợ cháy cho biết.
Tuy nhiên, hướng xử lý vụ việc này của phía Hoàng Phát không nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân.
“Trước khi chuyển vào kinh doanh, phía chủ đầu tư có hứa hẹn sẽ bồi thường 100% thiệt hại cho chúng tôi nếu có sự cố xảy ra. Như vậy, nếu xử lý theo hướng hiện tại đồng nghĩa với việc họ không tôn trọng lời hứa của chính mình,” chị Lan bức xúc.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của các tiểu thương, họ đều không có bảo hiểm đối với các gian hàng cụ thể của mình. Nhiều hóa đơn, chứng từ cùng sổ sách xuất nhập cũng đã bị cháy thành tro. Vì vậy, việc xác định chính xác mức thiệt hại để đền bù là hết sức khó khăn.
Việc không tiến hành hướng dẫn và giám sát các hộ kinh doanh mua bảo hiểm chát nổ bắt buộc theo Nghị Định số 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với chợ và các trung tâm thương mại là trách nhiệm thuộc về Hoàng Phát.
Cháy chợ ra sai sót
Ngay trong chiều nay, 20/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng đã có cuộc họp khẩn về vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại chợ Phố Hiến. Theo báo cáo nhanh được công bố, vụ cháy đã thiêu rụi 332 ki ốt, tổng thiệt hại lên tới hơn 50 tỷ đồng. Ủy ban tỉnh cũng đã phối hợp với Chủ đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển Hoàng Phát và Ban quản lý chợ để thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại của từng hộ kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hưng Yên cho biết: "Việc đầu tiên là sớm xây dựng được chợ tạm để cho các hộ kinh doanh có việc làm và thu nhập ổn định. Làm sao đảm bảo được cuộc sống của người dân."
Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị phía Hoàng Phát phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Trong một diễn biến khác, vụ hỏa hoạn đêm 19/3 cũng đặt ra nhiều nghi vấn về một loạt sai sót.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, dự án chợ Phố Hiến đang được tiến hành triển khai. Hai khối nhà bị cháy nằm trong tổng thể dự án này và mới được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2014. Mặc dù vậy, theo phản ánh của các tiểu thương, nhiều hạng mục của công trình này đã có dấu hiệu dột, nứt.
Điều đáng nói hơn, mặc dù ngọn lửa bắt đầu bùng phát khoảng 19 giờ 30 phút, nhưng phải tới gần 2 tiếng sau, tức là 21 giờ 25 phút cùng ngày, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Hưng Yên mới nhận được tin cháy.
Do vậy, ngay cả chi tiết được đưa vào báo cáo nhanh rằng “chỉ 4 phút sau, lực lượng cứu hỏa đã có mặt,” theo đánh giá của nhiều người vẫn bộc lộ sự phản ứng quá chậm chạp và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng.
“Nếu lực lượng cứu hỏa đến sớm, nhiều khả năng, nhiều phần hàng hóa đã được cứu,” một tiểu thương ngậm ngùi.
Bản thân những hộ buôn bán tại chợ Phố Hiến cũng thừa nhận họ không hề được tập huấn về kỹ năng phòng cháy chữa cháy kể từ khi vào đây buôn bán. Vậy nên, mới có chuyện khi phát hiện lửa, thay vì gọi lực lượng phòng cháy, họ lại gọi nhầm sang số... 113.
Tuy nhiên, phủ nhận một thực tế “nhãn tiền” là người dân và ngay cả lực lượng bảo vệ có chức năng của Hoàng Phát loay hoay không biết xử lý ra sao khi gặp sự cố, ông Đào Hữu Liêm, Phó Giám Đốc Công an tỉnh Hưng Yên lại vẫn khẳng định như đinh đóng cột rằng: Công trình của Hoàng Phát đã được cơ quan chức năng thẩm định về an toàn phòng cháy chữa cháy, cũng như đã có tập huấn cho người dân và lực lượng bảo vệ.
Ngoài ra, nhiều tiểu thương còn bức xúc phản ánh, khi xảy ra cháy, hệ thống chữa cháy tại chỗ gần như không hoạt động. Cả khu chợ chỉ có duy nhất một cầu thang ở giữa chợ để lên tầng 2, xung quanh không có đường thoát hiểm và phục vụ tình huống khẩn cấp. Thực tế này một lần nữa lại mâu thuẫn với khẳng định của phó giám đốc Công an tỉnh.
Riêng về thông tin các họng nước không có nước khi hỏa hoạn, ông Liêm cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát lại.
“Dù thế nào, sau vụ việc này, công tác phòng cháy chữa cháy của chúng tôi cũng sẽ được xem xét lại,” đại tá Liêm nhấn mạnh.
Về điểm gây cháy, đại tá Liêm cho hay, hiện công tác điều tra và khám nghiệm hiện trường vẫn đang được tiến hành nên chưa thể khẳng định được.
Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của vụ việc tới đọc giả.
Ông Doãn Thế Cường, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cho biết, trước mắt tỉnh Hưng Yên hỗ trợ cho mỗi tiểu thương bị thiệt hại hàng hóa trong vụ hỏa hoạn 10 triệu đồng, Ủy ban nhân dân thành phố Hưng Yên hỗ trợ mỗi tiểu thương thiệt hại 3 triệu đồng.
"Với các hộ tiểu thương có con đi học các bậc học phổ thông thì xem xét miễn học phí trong vòng 2 năm 2014, 2015. Các hộ có con học nghề, trung cấp từ 2 năm trở lên, học cao đẳng, đại học hỗ trợ 3 triệu đồng/2 năm. Ngoài ra, các ngành cần nhanh chóng xem xét xây dựng lại chợ tạm để bà con có thể quay trở lại kinh doanh được sớm nhất,” ông Cường khẳng định.