Liên quan đến vụ việc 261 giáo viên của Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, dù đã có thâm niên cống hiến nhiều năm, có kinh nghiệm giảng dạy và nhiều người là giáo viên dạy giỏi nhưng bị chấm dứt hợp đồng lao động do trượt xét tuyển viên chức, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Công Trình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.
- Thưa ông, 261 giáo viên của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, dù đã có thâm niên cống hiến nhiều năm, có kinh nghiệm giảng dạy và nhiều người là giáo viên dạy giỏi nhưng bị chấm dứt hợp đồng lao động do trượt xét tuyển viên chức. Điều này có đảm bảo công bằng, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Trình: Đây là các giáo viên hợp đồng. Việc vào công chức hay viên chức đều phải thi tuyển. Qua thi mà không trúng thì phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, giáo viên đúng là cũng bức xúc, thiệt thòi. Tinh thần chỉ đạo của chúng tôi là không nên quá máy móc, những trường hợp là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được ghi nhận thì chờ cơ hội tiếp tục hợp đồng.
Sở đã hướng dẫn huyện Yên Phong, khi thực hiện phải cân nhắc quá trình cống hiến. Quan điểm của Sở là muốn áp dụng xét tuyển và chúng tôi đã có công văn xin ý kiến Bộ Nội vụ nhưng Bộ Nội vụ chưa trả lời, vì thế chúng tôi không dám làm.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục xin ý kiến Bộ Nội vụ. Nếu Bộ vẫn không có văn bản thì các ngành liên quan sẽ ngồi với nhau để tính cách.
- Điều đó có nghĩa các giáo viên này có thể vẫn có cơ hội tiếp tục giảng dạy, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Trình: Tham vọng đưa tất cả vào biên chế thì không có, nhưng những người hợp đồng lâu năm và quá trình làm việc có những thành tích được ghi nhận thì cần phải có hình thức nào đó. Những trường hợp thỏa đáng sẽ được giải quyết.
Chỉ tiêu tuyển dụng chưa hết, nhưng bố trí cho cả 261 giáo viên thì chắc chắc không thể vì sẽ vượt định mức tuyển dụng.
Thực ra về tâm lý tình cảm nên giải quyết xét tuyển, nhưng vướng quy định của pháp luật, chúng tôi vẫn đang mong chờ Bộ Nội vụ. Trước đây Bộ Nội vụ chưa trả lời, nhưng trưa nay, đại diện Bộ đã điện về tìm hiểu tình hình để cho ý kiến.
Về góc độ quản lý và hiệu quả kinh tế, không thể cứ sau hợp đồng 3 năm là được vào viên chức, nhưng nếu Bộ Nội vụ đồng ý thì chúng tôi chỉ xin vận dụng trong năm 2013 để giải quyết vấn đề lịch sử để lại. Sau này, Sở sẽ quản lý chặt chẽ, các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng thì phải tổ chức thi tuyển, không ký hợp đồng.
Đây không phải chuyện chỉ xảy ra ở Bắc Ninh mà cả các địa phương khác, thậm chí là các bộ ngành khác.
- Vì sao sau nhiều năm, bây giờ Yên Phong mới tổ chức xét tuyển viên chức giáo viên, và tuyển tới 612 chỉ tiêu, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Trình: Thực ra, hàng năm các huyện khác đều tuyển được. Riêng huyện Yên Phong, từ năm 2008 đã được giao chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không thống nhất được phương án tuyển nên để lại. Đến tháng 6/2012 bắt đầu có thông tư hướng dẫn Luật Viên chức nên huyện triển khai tuyển. Chỉ tiêu vì thế dồn lại trong nhiều năm nên lên đến 612 người.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là giải quyết vấn đề hợp đồng lao động. Đây là một cơ hội, phương án để khắc phục tình trạng hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động không có lợi cho tất cả các bên. Với giáo viên, lương bổng không đảm bảo, không có cơ hội thăng tiến. Điều này dẫn đến tương lai của giáo viên không rõ ràng, tâm lý không ổn định, ảnh hưởng đến phong trào. Vì vậy, tỉnh muốn giải quyết triệt để vấn đề hợp đồng lao động.
Trong quá trình huyện Yên Phong triển khai xét viên chức đã có nhiều ý kiến. Cô giáo đang dạy hợp đồng trông mong vào thi tuyển để được vào biên chế, mặt khác, sinh viên mới ra trường có đơn từ đề nghị thi tuyển rộng rãi.
Mặt khác, huyện Yên Phong nhiều năm không tuyển, bị kiểm điểm nhiều lần nên sốt ruột. Khi Yên Phong tổ chức thi tuyển lại trong bối cảnh cả tỉnh có mỗi huyện này tuyển dụng nên thí sinh cả tỉnh dồn vào thi.
Trường hợp các giáo viên hợp đồng lâu năm khi tuyển dụng chúng tôi đã rất băn khoăn, nhưng nếu giáo viên dạy hợp đồng không trúng tuyển mà lại không chấm dứt hợp đồng thì số lượng giáo viên sẽ tăng lên, khó cho các trường.
Hiện nhiều huyện trong tỉnh cũng đang muốn xét tuyển viên chức nhưng chưa dám làm. Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Nội vụ, không để xảy ra trường hợp như tại Yên Phong.
- Xin cảm ơn ông!