Chiều 22/9, phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa.
Sau khi cân nhắc, xem xét ý kiến tranh luận của các luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo. Đặc biệt, có 4 bị cáo được Viện Kiểm sát đề nghị được miễn hình phạt.
Nhiều bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra một số quan điểm bổ sung, thay đổi như sau, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo: Phạm Hoàng Giang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSC), Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng giám đốc OceanBank), Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Trưởng ban Kế toán OceanBank), Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phú Mỹ).
Về hình phạt, đối với Hoàng Thị Hồng Tứ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BSC) đề nghị xử phạt từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách đến 5 năm.
Đối với các bị cáo Lê Tuấn Anh (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Thăng Long), Nguyễn Thị Kiều Liên (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Vũng Tàu), Nguyễn Minh Đạo (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Hà Nội), Trần Thị Thu Hương (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Dương), Hoàng Bích Vân (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Quốc Chiến (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Sài Gòn), Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo so với đề nghị trước đây của Viện kiểm sát.
Đối với các bị cáo: Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank), Phạm Hoàng Giang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSC), Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt so với đề nghị trước đây của Viện kiểm sát về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
Đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt so với mức đề nghị trước đây của Viện kiểm sát đối với các bị cáo Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc Khối Kế toán), Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc Khối khách hàng cá nhân), Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn), Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ).
Đặc biệt, Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử miễn hình phạt đối với 4 bị cáo: Nguyễn Việt Hà (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Thái Bình), Phan Trung Kiên (nguyên Giám đốc OceanBank Phòng giao dịch Đông Đô), Nguyễn Thị Loan (nguyên Giám đốc OceanBank Phòng giao dịch Trung Yên) và Trần Anh Thiết (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Hà Nội).
Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, Nguyễn Xuân Sơn phải chịu toàn bộ trách nhiệm hình sự, còn về trách nhiệm dân sự thì giảm trừ số tiền đã đưa cho Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN).
Thông tư 02 là cần thiết và đúng pháp luật
Quá trình tranh tụng, các luật sư và bị cáo có ý kiến về việc nhiều ngân hàng tại cùng thời điểm đó cũng thực hiện chi lãi suất vượt trần, nhưng chỉ bị xử lý hành chính hoặc không bị xử lý, chỉ có duy nhất OceanBank bị xử lý hình sự.
Về vấn đề này, công tố viên cho rằng nếu ngân hàng nào bị phát hiện chi lãi suất vượt trần thì việc xem xét xử lý hành chính hay hình sự cần phải tính đến các yếu tố quy mô, tính chất sai phạm, tính thanh khoản, hành vi sai phạm đó có tiêu cực, tham nhũng hay không.
Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý sai phạm còn liên quan đến trách nhiệm công vụ của công chức, trong đó có tính đến nguyên nhân là do năng lực, nể nang, bỏ qua sai phạm hay là có tiêu cực.
Nội dung này trong phần luận tội của Viện kiểm sát cũng đã đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước liên quan đến công tác thanh tra, giám sát OceanBank trong giai đoạn 2009 - 2014.
Về căn cứ pháp lý của Thông tư 02, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 dựa trên cơ sở khoản 2 điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và khoản 3 điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng: “Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn hệ thống của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động của tổ chức tín dụng.”
Công tố viên khẳng định, mục đích của việc ban hành Thông tư này là nhằm thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 năm 2011 của Chính phủ.
Thực tiễn triển khai Thông tư 02 cho thấy đây là biện pháp hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cơ bản khắc phục được tình trạng huy động vốn vượt trần, mặt bằng lãi suất của hệ thống tổ chức tín dụng có xu hướng giảm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, khoản 2 điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng… thì áp dụng theo quy định của luật này.”
Giữ quyền công tố tại Tòa, kiểm sát viên Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) khẳng định: “Như vậy, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 là đúng thể thức, đúng thẩm quyền, không trái với Bộ Luật Dân sự. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có tính bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Việc tuân thủ các quy định của Thông tư 02 không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ, ý thức chia sẻ khó khăn của đất nước, của xã hội trong một giai đoạn nhất định. Bản thân bị cáo Thắm là một doanh nhân đã từng được vinh danh, hơn ai hết, Thắm phải hiểu những yêu cầu đó.”
[Đề nghị trả hồ sơ bổ sung nội dung liên quan đến Ninh Văn Quỳnh]
Hà Văn Thắm đã thành khẩn khai nhận tội
Sau phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát, luật sư Đào Hữu Đăng (bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm) mở đầu phần đối đáp của các luật sư.
Theo luật sư Đăng, Hà Văn Thắm và các bị cáo đều thừa nhận đã làm trái quy định quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, tại sao những người có trình độ chuyên sâu về kế toán là các thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại không phát hiện được, để OceanBank thực hiện việc chi lãi vượt trần trong 4 năm liền.
Phải chăng thời điểm này đa số ngân hàng phải chi lãi ngoài - là thực tế do kiểm toán thanh tra biết nhưng bỏ qua và mặc nhiên thừa nhận để các ngân hàng đảm bảo thanh khoản?
Luật sư Đăng cho rằng, đối với Hà Văn Thắm, việc ra chủ trương chi lãi ngoài khiến 34 nhân viên dưới quyền phải đứng trước vành móng ngựa chính là hậu quả lớn nhất đè nặng lên tâm tư Hà Văn Thắm.
Việc Hà Văn Thắm nhận tội đã thực hiện hành vi đem lại lợi ích, không gây thiệt hại cho OceanBank nhưng gây hậu quả cho xã hội, góp phần gây hại cho chính sách kiềm chế lạm phát là đúng.
Về tội lạm dụng chiếm đoạt liên quan đến Công ty BSC, luật sư Đăng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khách quan. Bởi một số khách hàng, dù không muốn chi thêm tiền nhưng vẫn ký hợp đồng dịch vụ với BSC vì những khách hàng này không đủ điều kiện để vay/mua trực tiếp ngoại tệ tại ngân hàng nên bắt buộc phải mua thông qua một công ty khác - ký hay không ký là do ý chí chủ quan của khách hàng sau khi cân nhắc, không bắt buộc.
Tiếp tục tranh luận bảo vệ bị cáo Hà Văn Thắm, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng bị cáo Hà Văn Thắm đã nhận tội vi phạm Thông tư 02. Việc cần chứng minh ở đây là xác định số tiền 1.576 tỷ đồng đang được cho là thiệt hại của OceanBank.
Trong số tiền 246 tỷ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn và bị Sơn chiếm đoạt, nếu cho rằng 49 tỷ đồng là thuộc về PVN để kết tội Nguyễn Xuân Sơn tham ô, vậy 197 tỷ đồng còn lại là của các cổ đông của OceanBank "cũ" (từ trước khi Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng), tại sao không trả cho các cổ đông mà lại trả cho nguyên đơn dân sự là OceanBank "mới" (sau khi được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng)?
Về số tiền 500 tỷ đồng của OceanBank bị thiệt hại liên quan đến tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, luật sư đưa ra quan điểm cho rằng, Ngân hàng Đại Tín mới là người hưởng lợi số tiền này và không liên quan đến Hà Văn Thắm cùng các bị cáo khác.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, với nhận thức rõ ràng về sai phạm, Hà Văn Thắm đã nhận tội. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vi phạm đó có gây thiệt hại dựa trên quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Việc bị cáo Hà Văn Thắm thành khẩn, tạo thuận lợi cho công tác điều tra đã hoàn toàn đủ cơ sở căn cứ hành vi - đúng chính sách quan điểm về thành khẩn. Việc đại diện Viện kiểm sát không cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là không phù hợp.
Theo luật sư Thiệp, cần phải xác định rằng các bị cáo khai trung thực hành vi mình thực hiện chính là nhận thức của bản thân, còn việc có tội hay không là do cơ quan tố tụng có trách nhiệm xác định./.