Vụ Hà Văn Thắm: Luật sư kiến nghị gỡ tội cho Nguyễn Xuân Sơn

Chiều 23/4, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) đã kiến nghị làm rõ một số nội dung kháng cáo của bị cáo Sơn.
Vụ Hà Văn Thắm: Luật sư kiến nghị gỡ tội cho Nguyễn Xuân Sơn ảnh 1Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương trả lời các câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương - OceanBank) cùng đồng phạm, chiều 23/4, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) đã kiến nghị làm rõ một số nội dung kháng cáo của bị cáo Sơn, và đề nghị trình các bằng chứng chứng minh trước Hội đồng phúc thẩm trong phần tranh luận tới.

Tại phiên phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Sơn trích dẫn lại bản án sơ thẩm với nội dung: "...Trong số tiền 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt từ OceanBank có 20% là tiền của Nhà nước do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn, tương ứng là hơn 49 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ là Phó Tổng giám đốc PVN, là người đại diện phần vốn góp Nhà nước tại OceanBank; tài liệu điều tra xác định Nguyễn Xuân Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này; nên hành vi của Nguyễn Xuân Sơn đã cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 của Bộ luật hình sự".

Trước câu hỏi của luật sư, bị cáo Sơn không đồng thuận với lập luận trên của Tòa sơ thẩm với lý do mình chưa bao giờ là người đại diện phần vốn góp Nhà nước tại OceanBank; không có chức vụ, quyền hạn nên không phạm tội "Tham ô tài sản."

Bị cáo Sơn đồng ý luật sư bào chữa trình tại phần tranh luận của phiên phúc thẩm các chứng cứ chứng minh từ tháng 12/2008-15/11/2010, bị cáo Sơn đã thanh lý hợp đồng với PVN để chuyển sang làm Tổng Giám đốc của OceanBank nên bị cáo Sơn không còn chức vụ, quyền hạn ở PVN nữa.

Bên cạnh đó, văn bản của OceanBank chuyển sang PVN với nội dung đề xuất Nguyễn Xuân Sơn làm người đại diện cho phần vốn góp của PVN tại OceanBank chưa có hiệu lực pháp luật, PVN vẫn chưa có quyết định nào giao cho bị cáo Sơn chức vụ đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank.

[Xử Hà Văn Thắm: Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn giải trình nội dung kháng cáo]

"Bị cáo chưa bao giờ có quyết định là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank," bị cáo Sơn nói trước tòa.

Từ đó, luật sư bào chữa mong muốn Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận lập luận của bản án sơ thẩm đã nêu trên để quy kết tội "Tham ô tài sản".

Luật sư tiếp tục trích dẫn bản án sơ thẩm: "Trong số vốn điều lệ của OceanBank tính đến tháng 5/2011 có 20% là vốn góp của Nhà nước tương ứng với số tiền 800 tỷ đồng mà PVN với tư cách là một Tổng Công ty nhà nước, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tham gia góp vốn đầu tư và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong số vốn của OceanBank được xác định là 20% tại thời điểm xảy ra sự việc phạm tội. Do đó, trong số tiền 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm
 đoạt từ OceanBank có 20% là tiền của Nhà nước do PVN góp vốn, tương ứng là
 49 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ là Phó Tổng Giám đốc PVN, là người đại diện phần vốn góp Nhà nước tại OceanBank; tài liệu điều tra xác 
định Nguyễn Xuân Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này; nên hành vi của Nguyễn Xuân Sơn đã cấu thành tội 'Tham ô tài sản' theo quy định tại Điều 278 của Bộ luật Hình sự." 

Luật sư bào chữa phản bác lập luận trên của Tòa sơ thẩm với lý do, theo cáo quy định của Luật Doanh nghiệp, và các quy định pháp luật về kinh tế thì doanh nghiệp, bất luận trong trường hợp nào dù OceanBank thua lỗ thì số vốn 800 tỷ đồng của PVN chiếm 20% vốn của OceanBank vẫn tồn tại.

Trước đó, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Hà Văn Thắm khai nhận việc thỏa thuận, đưa tiền cho Nguyễn Xuân Sơn là nhằm chi lãi ngoài, chăm sóc nhóm khách hàng thuộc PVN; Nguyễn Xuân Sơn cũng thừa nhận việc nhận tiền là để “chăm sóc ” nhóm khách hàng Dầu khí và phần lớn số tiền nhận đã đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN); ngoài ra, bị cáo còn chi cho các hoạt động giao lưu, ủng hộ, quà, lễ tết...; nhưng ngoài việc chi 20 tỷ đồng đã được ông Ninh Văn Quỳnh xác nhận thì bị cáo không nêu hoặc chứng minh được những khoản chi cá nhân khác.

Theo bản án sở thẩm nhận định: "Hai tội bị cáo Sơn đã thực hiện nói trên đã hoàn thành kể từ khi bị cáo chiếm đoạt được tài sản; việc xác định được hay không xác định được bị cáo sử dụng số tiền chiếm đoạt như thế nào không có ý nghĩa về mặt định tội."

Tuy nhiên luật sư bào chữa cho rằng "việc xác định được hay không xác định được bị cáo sử dụng số tiền chiếm đoạt như thế nào không có ý nghĩa về mặt định tội" như bản án sơ thẩm là không đúng.

Vì khi bị cáo Sơn nhận tiền của Hà Văn Thắm để chăm sóc khách hàng, tiếp tục giao cho người khác có cơ sở để đưa cho khách hàng thì bị cáo Sơn không chiếm đoạt tài sản. Luật sư sẽ trình Hội đồng xét xử phúc thẩm nội dung này ở phần tranh luận.

Bên cạnh đó, luật sư đề nghị xác định lại, làm rõ vai trò của bị cáo Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn trong việc chi tiền từ OceanBank.

Ngày mai, Tòa phúc thẩm tiếp tục phiên xét hỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục