Vụ giáo viên bị sa thải ở Bắc Ninh: Đi kêu cứu lại gặp nạn

Đi đường với tâm trí bị khủng hoảng nặng nề, thầy giáo Đạt bị tai nạn xe máy dẫn đến gãy xương ống chân, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Việt-Đức, Hà Nội.
Thầy Ngô Bá Đạt đang nằm điều trị tại bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quá bất bình vì cả hai vợ chồng đều bị cho thôi việc trong đợt này sau 10 năm cống hiến, thầy Đạt cùng các đồng nghiệp mang hồ sơ dự định từ Bắc Ninh ra Hà Nội để tìm các luật sư hỏi về quyền lợi của mình.

Nhưng chưa hết hạn này, lại sang hạn khác. Đi đường với tâm trí bị khủng hoảng nặng nề, thầy bị tai nạn xe máy dẫn đến gãy xương ống chân, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Việt-Đức, Hà Nội.

“Cả hai vợ chồng thất nghiệp, con thì nhỏ, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé mới 11 tháng. Giờ tôi lại phải nằm viện, tiền điều trị đến thời điểm này đã là hơn 20 triệu đồng, tương lai cũng không biết làm gì để sống, để nuôi con. Càng nghĩ, càng thất vọng và hoang mang,” thầy Ngô Bá Đạt, giáo viên trường Trung học cơ sở Đông Phong, Yên Phong, Bắc Ninh buồn bã nói.

Làm 8 năm không được tăng lương

Thầy Đạt cho biết, dù đã được chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng sáng ngày 5/5, khi nhận quyết định cho thôi việc từ hiệu trưởng, thầy vẫn không khỏi sốc và choáng váng.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh năm 2004, thầy Đạt về trường Trung học cơ sở Đông Phong công tác với mức lương ban đầu chỉ hơn 500.000 đồng. Thấy mức lương quá thấp, nhiều bạn bè đã rủ Đạt chuyển nghề, nhưng thầy vẫn bám trụ với nghề giáo bởi đó là con đường mình đã chọn khi theo học trường sư phạm.

Cô Trần Thị Kim Huế, vợ thầy, cũng là giáo viên, dạy ở trường Trung học cơ sở Long Châu, cùng thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Cô Huế đi dạy từ năm 2006, và cũng bị cho thôi việc đợt này.

Thầy Đạt bảo, dù đã xác định nghề giáo, lại là giáo viên dạy môn sinh học ở một trường cấp 2 sẽ rất nghèo, nhưng thầy vẫn không thể tưởng tượng hết những cay đắng với nghề mà mình phải nếm trải.

Suốt 10 năm trời làm giáo viên hợp đồng, thầy phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Từ năm 2004 đến 2012, đi dạy 8 năm nhưng thầy không được tăng lương, chỉ nhận lương bậc 1 với hơn 2 triệu đồng, càng không mơ tới việc được bổ nhiệm, thăng tiến.

Năm 2009, hai vợ chồng cùng nhau đi học liên thông lên đại học, vừa để nâng cao chuyên môn, vừa để lương theo hệ số bằng đại học sẽ được cao hơn một chút. Năm 2012, sau rất nhiều lần đề nghị xét tăng lương, thầy mới được nâng bậc lương một lần, mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng.

“Thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng chỉ khoảng 7 triệu đồng. Tôi dạy sinh, vợ dạy lịch sử nên không dạy thêm được. Có chăng, mỗi năm cố gắng công tác để cuối năm được là lao động tiên tiến sẽ được thưởng thêm 200.000 đồng, Tết Nguyên đán được thưởng 200.000 đồng. Lương thấp nên hai vợ chồng phải nhờ đến sự hỗ trợ rất nhiều từ bố mẹ,” thầy Đạt chia sẻ.

Rồi giọng trầm buồn, thầy bảo: “Nhiều khi nghĩ mình là đàn ông, trụ cột gia đình, tôi cũng muốn rẽ ngang đi làm kinh tế, nhưng vợ lại gạt đi vì cô ấy biết tôi yêu nghề.”

Chưa xác định được tương lai

Về những dự định tương lai, khi cả hai vợ chồng đều mất việc đợt này, thầy Đạt bảo, đó cũng là những điều thầy trăn trở nhất trong suốt thời gian qua, nhất là từ khi bị tai nạn, phải nằm một chỗ trong bệnh viện. Nhưng nghĩ mãi, thầy cũng chẳng xác định được mình sẽ làm gì.

“Năm nay tôi 34 tuổi, vợ 32 tuổi, chẳng biết sẽ làm gì để sống, chuyển nghề gì,” thầy Đạt nói, rồi chợt cười buồn, đôi mắt đỏ lên vì những cảm xúc dồn nén, thầy bảo: “Chắc chỉ xin được đi làm phu hồ!”

Đôi mắt thẫn thờ nhìn đăm đăm ra khoảng không qua ô cửa sổ phòng bệnh, thầy Đạt nói, thầy thất vọng, đau đớn, nhưng thương vợ nhiều hơn, lo cho vợ nhiều hơn.

Những chia sẻ của người thầy giáo cứ nghẹn lại, đứt đoạn từng quãng ngắn: “Cô ấy đi dạy đã 8 năm, chuyên môn tốt, nhiều năm là giáo viên giỏi cấp huyện, và rất say nghề. Khi ôn luyện học sinh giỏi, cô ấy thậm chí còn đưa cả các em về nhà dạy thêm miễn phí. Tôi là đàn ông mà còn choáng váng khi cầm tờ quyết định thôi việc trên tay, tôi rất lo, không biết vợ tôi sẽ thế nào. Hiện con tôi đã 11 tháng, nghĩa là cô ấy chỉ được đứng lớp thêm một tháng nữa, khi con tròn một tuổi...”

“Giờ tôi lại nằm một chỗ, tiêu tốn đến mấy chục triệu đồng. Bố mẹ già phải vào viện chăm sóc, vợ một mình lo hai con nhỏ, thương lắm, mà chẳng biết làm thế nào...”

“Càng nghĩ càng thấy buồn và bức xúc. Chúng tôi đi dạy suốt chục năm, chịu nhiều thiệt thòi, và giờ thì bị đẩy ra đường. Giáo viên dạy từ đầu đến tháng cuối cùng của năm học thì bị cho nghỉ việc. Những người mới không mất công sức cả năm như chúng tôi nhưng sẽ được hưởng lương từ tháng 5 và cả hai tháng Hè sắp tới...” thầy Đạt tiếp lời.

Nhìn con trai đầy xót xa, bác Ngô Bá Thủy, bố thầy Đạt ngao ngán nói: “Nuôi con khôn lớn, cho ăn học, tưởng con theo nghề sư phạm tuy nghèo nhưng ổn định, ai ngờ... Giờ cha mẹ già vẫn phải chăm con, lo cháu. Cách làm của Yên Phong thật không công bằng với các giáo viên.”

Bác chưa dứt lời thì cửa phòng bệnh mở, bác sỹ yêu cầu người nhà bệnh nhân lên làm thủ tục trước khi mổ. Người cha già đã hơn 60 tuổi tất tả chạy đi.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục