​Vụ Gang thép Thái Nguyên: Những điểm nhấn trong phiên tòa sơ thẩm

Qua phần xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, nhiều nội dung của vụ án được đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư tranh luận, làm rõ, nhằm xác định rõ mức độ vi phạm của từng bị cáo...
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau một tuần xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Hội đồng xét xử tiến hành nghị án và sẽ ra phán quyết vào chiều 20/4.

Qua phần xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, nhiều nội dung của vụ án được đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư tranh luận, làm rõ, nhằm xác định rõ mức độ vi phạm của từng bị cáo cũng như những thiệt hại gây ra trong vụ án.

Đặc biệt, cơ quan công tố cũng đã có giải đáp kịp thời đối với những băn khoăn, thắc mắc của luật sư về liệu có hay không việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án.

Việc xác định thiệt hại hơn 830 tỷ đồng là có căn cứ

Trong phần tranh luận, một số bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng việc xác định hậu quả thiệt hại của vụ án là hơn 830 tỷ đồng mà không trừ số tiền đầu tư vào Mỏ sắt Tiến Bộ đã được hoàn thành, hoạt động có hiệu quả là chưa chuẩn xác.

Đối với lập luận này, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc xác định hậu quả như vậy là không có căn cứ. Cụ thể, dự án gồm tổng thể nhiều gói thầu; trong đó gói thầu Dây chuyền luyện kim khu vực Lưu Xá là gói thầu quan trọng, có giá trị lớn nhất, mang tính quyết định hiệu quả thành công của dự án, các gói thầu khác là gói thầu phụ trợ và dùng để phục vụ dây chuyền luyện kim khu vực Lưu Xá.

Trong số này, gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ là gói thầu nằm trong dự án để phục vụ nguồn nguyên liệu quặng sắt cho gói thầu dây chuyền luyện kim khu vực Lưu Xá. Do vậy, không thể tính tách rời gói thầu này ra khỏi dự án và coi là hoàn thành nên vốn đầu tư vào gói thầu không gây thiệt hại.

Thiệt hại trong vụ án được xác định là hậu quả thiệt hại chung của toàn dự án, đó là việc gói thầu theo Hợp đồng EPC số 01# bị chậm tiến độ, dừng thi công nên không thể sản xuất đúng tiến độ thời hạn theo hợp đồng, dẫn đến gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ dù có hoàn thành thì cũng không phục vụ đúng mục đích của dự án, phải dùng cho nhà máy dây chuyền sản xuất khác (đây chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy) dẫn đến không đạt hiệu quả của dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phê duyệt của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS).

Đại diện Viện Kiểm sát đã viện dẫn vào Điều 4, khoản 5, điểm c - TTLS số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư gây ra là “Khoản chi phí phát sinh về tiền lãi vay của khoản vốn đã đầu tư và các chi phí khác dối với dự án kể từ khi dự án ngừng thi công hoặc ngừng hoạt động.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì phải xác định hậu quả thiệt hại là toàn bộ số tiền vay đã đầu tư vào toàn bộ dự án, chứ không phải riêng một gói thầu nào. Do đó, việc TISCO xác định hậu quả thiệt hại là khoản lãi mà TISCO đã phải trả cho 2 ngân hàng là hơn 830 tỷ đồng là có căn cứ chấp nhận theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến việc xác định thiệt hại, nhiều bị cáo và luật sư có quan điểm cho rằng khi cổ phần hóa (tháng 7/2009), TISCO chỉ còn chiếm 65% vốn tại dự án nên số tiền lãi chỉ thiệt hại tương ứng 65% số tiền lãi đã trả.

[Vụ Gang thép Thái Nguyên: Các bị cáo hối hận và xin giảm hình phạt]

Về quan điểm này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xác định cách tính như vậy là không có căn cứ, bởi tại thời điểm quyết định vay vốn, TISCO vẫn chưa cổ phần và chiếm 100% vốn Nhà nước.

​Vụ Gang thép Thái Nguyên: Những điểm nhấn trong phiên tòa sơ thẩm ảnh 1Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội và đề nghị mức án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đến khi cổ phần hóa, Nhà nước sở hữu 65% vốn điều lệ của TISCO thì Nhà nước vẫn bảo lãnh cho TISCO vay 2 khoản vay này để thực hiện dự án chứ không có sự tham gia của các pháp nhân, cá nhân nào khác đối với 2 khoản vay này.

Do đó, thiệt hại tài sản Nhà nước là 100% khoản lãi vay đã trả và không có cơ sở buộc các pháp nhân, cá nhân khác tham gia góp vốn phải chịu vì họ không tham gia vay 2 khoản vay này.

Chuyển biến nhận thức của bị cáo

Trong phần xét hỏi và tranh luận, một số bị cáo không thừa nhận hành vi vi phạm. Tuy nhiên, sau phần đối đáp của Viện kiểm sát, khi nói lời sau cùng tại tòa, các bị cáo này đã nhận thức được hành vi phạm tội, xin hưởng sự khoan hồng và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Nói lời sau cùng tại tòa, nhóm bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị TISCO đều thừa nhận hành vi vi phạm và xin hưởng tình tiết giảm nhẹ khi Hội đồng xét xử lượng hình.

Bị cáo Nguyễn Chí Dũng (nguyên thành viên Hội đồng quản trị TISCO) bày tỏ sự tin tưởng sự phán quyết khách quan của Hội đồng xét xử. Bị cáo Dũng xin được miễn hình phạt và không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Bị cáo Hoàng Ngọc Diệp khẳng định luôn trung thực, khai báo thành khẩn, không quanh co, chối tội. Sau khi nắm được nội dung luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Diệp đã nhận thức được hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của mình. Trong phạm vi chức trách được giao, bị cáo Diệp hối hận vì đã thực hiện hành vi vi phạm, mặc dù những sai phạm đó chỉ là do bị cáo muốn nhanh chóng hoàn thành dự án, không có động cơ vụ lợi nào.

Nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát VNS Đặng Thúc Kháng khẳng định: Bất luận bản án như thế nào, bị cáo cũng đều sẽ nghiêm túc chấp hành bản án.

Bày tỏ sự ân hận và đau xót về những hành vi vi phạm của bị cáo do không lường trước được những hậu quả nặng nề có thể gây ra, bị cáo mong được Hội đồng xét xử xem xét thấu tình đạt lý hành vi của bị cáo, cho bị cáo được hưởng mức án thấp hơn đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, để bị cáo được sớm đoàn tụ với gia đình.

Kết thúc lời nói sau cùng của mình, bị cáo Kháng không quên đề nghị VNS chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng sớm khởi động lại dự án Gang thép Thái Nguyên, để TISCO trở lại là vị trí đi đầu trong ngành Thép Việt Nam. Bị cáo Kháng xin lỗi cán bộ công nhân viên TISCO và mong được thông cảm về những hành vi vi phạm của bị cáo...

Cân nhắc xử lý giai đoạn 2 vụ án một cách toàn diện

Phiên tòa được đánh giá là đã được tiến hành theo tinh thần cải cách tư pháp, ý kiến của các bị cáo, của các luật sư cũng như của đại diện Viện Kiểm sát đã được Hội đồng xét xử lắng nghe và tạo điều kiện trình bày một cách đầy đủ nhất, hướng tới một bản án công minh, khách quan, tránh oan sai.

Quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa này, nhiều ý kiến của luật sư bào chữa đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét làm rõ vai trò của một số đơn vị, cá nhân có liên quan trong vụ án.

Về điểm này, khi đối đáp tại phiên tòa, kiểm sát viên cao cấp Phạm Văn Dũng khẳng định đã lắng nghe ý kiến của các luật sư bào chữa để có cách nhìn đa diện hơn, xem xét cẩn trọng lại các đánh giá đối với các bị cáo trong suốt quá trình điều tra gần 2 năm qua, với quá trình thu thập hơn 37.000 trang tài liệu hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Ông Phạm Văn Dũng nhấn mạnh những ý kiến này cũng sẽ được đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục quan tâm trong quá trình xử lý giai đoạn 2 của vụ án một cách toàn diện, đầy đủ hơn.

Cụ thể, đối với các cá nhân có liên quan thuộc Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện dự án còn một số dấu hiệu vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình và các sai phạm khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách nội dung này theo quy trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, đang tiến hành xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ.

Hiện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để xem xét, cân nhắc xử lý theo quy định của pháp luật, không có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm như ý kiến của một số luật sư đã nêu.

​Vụ Gang thép Thái Nguyên: Những điểm nhấn trong phiên tòa sơ thẩm ảnh 2Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến của các luật sư bào chữa, các bị cáo trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá có đủ cơ sở xác định nội dung cáo trạng truy tố, kết luận của Viện Kiểm sát là có căn cứ, đúng sự thật, đúng pháp luật. Do vậy, đại diện Viện Kiểm sát đã quyết định giữ nguyên nội dung truy tố và các kết luận, đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo.

Bên cạnh đó, căn cứ vào diễn biến thực tế tại phiên tòa, căn cứ vào thái độ thành khẩn khai báo của các bị cáo... đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét có chính sách hình sự khoan hồng hơn với các bị cáo khai báo thành khẩn đồng thời cũng cần nghiêm khắc hơn với các bị cáo đã thực hiện hành vi, nhận thức rõ hành vi nhưng vẫn cố tình cho rằng không phạm tội để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Các bị cáo (thành viên Hội đồng quản trị TISCO) là người đại diện sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án, có nhiệm vụ bảo toàn và sử dụng vốn có hiệu quả. Quá trình làm việc, các bị cáo phải có trách nhiệm cân nhắc, xem xét toàn diện những thiệt hại có thể gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

Đây không chỉ là bài học cho các bị cáo trong vụ án này, mà còn là kinh nghiệm chung trong lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư, là lời cảnh báo, nhắc nhở và phòng ngừa chung cho những trường hợp tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục