Liên quan đến vụ người dân đặt quan tài để cản trở việc thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đoạn qua xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ vào ngày 10/11, Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ (Quảng Nam) Trần Nam Hưng khẳng định chính quyền sẽ hướng dẫn thủ tục và tuyên truyền vận động để người dân hiểu và tự giác chấp hành.
Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đoạn qua thành phố Tam Kỳ kéo dài 2,3km. Dự án ảnh hưởng đến 425 hộ dân trên địa bàn.
Căn cứ Khung chính sách bồi thường đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phê chuẩn được áp giá hai loại đất là đất nông nghiệp thuần túy và đất vườn ao gắn liền với thửa đất có nhà ở, cơ quan chức năng đã thực hiện việc áp giá đền bù cho người dân. Theo đó, đất nông nghiệp thuần túy ở vị trí loại 2 (ít thuận lợi về giao thông) được áp giá đền bù từ 34.000-46.000 đồng/m2 và đất vườn ao gắn liền với thửa đất có nhà ở được bồi thường 84.000 đồng/m2. Tổng giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án là khoảng 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số người dân ở xã Tam Ngọc (thành phố Tam Kỳ) lại bất bình vì cho rằng khung giá đền bù là 84.000 đồng/m2 nhưng cơ quan chức năng lại áp giá đền bù chỉ có 44.000 đồng/m2. Chính vì vậy, người dân đã kéo quan tài rỗng đặt trên đoạn đường đang thi công để phản đối.
Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Quỹ đất Tam Kỳ Nguyễn Ngọc Trai cho biết: "Cơ quan chức năng đã áp giá theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành (Quyết định số 3960/QĐ-UBND), tuy nhiên người dân lại muốn áp dụng giá đền bù đất vườn ao gắn liền với thửa đất có nhà ở cho loại đất nông nghiệp thuần túy. Điều này là không thể được, vì đền bù loại đất nào phải theo giá loại đất đó."
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong tổng số 425 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc đoạn qua Tam Kỳ có hơn 400 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Trong số hơn 20 hộ còn lại, có một số hộ đã nhận tiền theo giá đất 44.000 đồng/m2 nhưng nay lại đòi áp giá đền bù 84.000 đồng/m2…
Ông Trần Nam Hưng cho biết theo quy định việc áp giá đền bù cho người dân trên địa bàn xã Tam Ngọc là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số vướng mắc nhỏ như một số người dân trước đây đã nhận tiền đền bù cây cối trên thửa đất khai hoang nhưng nay lại đòi bồi thường cả tiền đất; một số hộ gia đình kê khai nhân khẩu thiếu so với thực tế gia đình nhưng không bổ sung; lãnh đạo xã Tam Ngọc còn chậm trong việc thẩm định, xét duyệt một số hồ sơ do nguồn gốc đất phức tạp... Vì vậy, đã gây sự bức xúc không đáng có trong nhân dân.
Hiện thành phố Tam Kỳ đang triển khai rà soát, nếu những diện tích người dân khai hoang và tổ chức sản xuất ổn định trước ngày 1/7/2004 mà không có tranh chấp, thành phố sẽ đền bù theo đúng quy định. Đối với những hộ làm chưa đúng thủ tục, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn thủ tục để người dân được hưởng đúng quyền lợi. Với những hộ đòi hỏi không đúng quy định của pháp luật, sẽ tiến hành tuyên truyền vận động để người dân hiểu và tự giác chấp hành và không có những hành động sai trái, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.