Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Tình trạng khẩn cấp tiếp tục được gia hạn

Đây là lần thứ 5 tình trạng khẩn cấp được gia hạn kể từ khi được ban bố lần đầu tiên ngày 20/7/2016, khoảng một tuần sau vụ đảo chính quân sự bất thành ở nước này.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/10, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag thông báo chính phủ nước này đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng nữa.

Đây là lần thứ 5 tình trạng khẩn cấp được gia hạn kể từ khi được ban bố lần đầu tiên ngày 20/7/2016, khoảng một tuần sau vụ đảo chính quân sự bất thành ở nước này.

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn phát biểu của ông Bozdag sau cuộc họp nội các hàng tuần cho biết, dựa trên đề xuất của Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK), chính quyền Ankara đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp trong nước thêm ba tháng và sẽ nhanh chóng chuyển quyết định này lên Quốc hội để được thông qua.

Tình trạng khẩn cấp được cho sẽ tạo thuận lợi cho lực lượng thực thi luật pháp tiến hành truy quét những người có liên quan âm mưu đảo chính.

Theo Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, với việc áp đặt tình trạng khẩn cấp, giới chức nước này có thể điều hành đất nước chỉ bằng các sắc lệnh.

[Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp]

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong hơn một tuần qua, các lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ hơn 1.210 đối tượng tình nghi liên quan tới các tổ chức khủng bố và vụ đảo chính quân sự bất thành hồi năm ngoái.

Theo đó, trong số các đối tượng bị bắt giữ có 947 người tình nghi liên quan tới giáo sỹ Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính quân sự.

Ngoài ra, 205 người khác bị bắt vì nghi ngờ có quan hệ mật thiết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Những đối tượng còn lại gồm 49 người tình nghi có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và 9 người khác bị nghi có quan hệ với các nhóm khủng bố khác.

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành làm 246 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 50.000 người tình nghi liên quan tới phong trào của giáo sỹ Gulen và sa thải 150.000 viên chức, trong đó có giáo viên, cảnh sát, binh lính.

Một số nước phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hoạt động này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, chính quyền Ankara nêu rõ hành động này giúp dập tắt mối đe dọa từ mạng lưới do giáo sỹ Gulen đứng đầu vốn đã thâm nhập vào các cơ quan như quân đội, tòa án và trường học.

Giáo sỹ Gullen vẫn luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời cũng lên án cuộc đảo chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục