Sau khi xảy ra vụ đánh bom kép ngày 19/11 nhằm vào Đại sứ quán Iran tại thủ đô Beirut của Liban, khiến 23 người chết và gần 150 người bị thương, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích gay gắt những kẻ chủ mưu vụ tấn công nhằm phá hoại an ninh của khu vực nói chung và của Liban nói riêng.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Liban Michel Suleiman, ông Rouhani khẳng định thủ phạm của vụ tấn công "đã bị những kẻ cực đoan xúi giục" và trong vụ việc "có yếu tố nước ngoài" nhằm gây bất ổn cho Liban và toàn khu vực.
Tổng thống Liban Suleiman cũng đã chỉ trích vụ tấn công và tuyên bố chính phủ Liban sẽ thực hiện mọi nỗ lực để bắt giữ và trừng phạt những kẻ chủ mưu.
Có tin Lữ đoàn Abdullah Azzam, nhóm có liên quan tới mạng lưới khủng bố al-Qeada, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Ngoài ra, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Italy Emma Bonino tại Rome, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho rằng vụ tấn công là "lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta" và là dấu hiệu "chủ nghĩa cực đoan" đang lan tràn tại Trung Đông, đặc biệt là bắt nguồn từ Syria.
Trả lời về việc Bộ Ngoại giao Iran cho rằng Israel đứng sau vụ tấn công này, ông Zarif khẳng định Iran có lý do để nghi ngờ mọi hành động của Israel.
Trong khi đó, các quan chức Israel đã phủ nhận nước này có liên quan đến vụ tấn công đẫm máu nói trên.
Chủ tịch Ủy ban An ninh và Đối ngoại thuộc Nghị viện Israel, Tzachi Hanegbi, nói rằng nước này đã phải hứng chịu sự chỉ trích về mọi vụ việc diễn ra tại Trung Đông.
Theo ông, có một số trường hợp Israel nhận trách nhiệm do liên quan tới an ninh quốc gia, song "an ninh của Israel không được lợi gì từ vụ việc đẫm máu ở Beirut."
Ông Hanegbi khẳng định đây là hậu quả của tình trạng căng thẳng trong nội bộ Liban.
Cũng trong ngày 19/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ vụ việc, đồng thời kêu gọi Liban đứng ngoài cuộc xung đột ở Syria.
Trong một tuyên bố, Hội đồng Bảo an cũng vận động người dân Liban kiềm chế, cộng tác với thể chế nhà nước đặc biệt là lực lượng an ninh, trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi khủng bố.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh vụ đánh bom nhằm vào đại sứ quán Iran tại Beirut là "vô nghĩa và hèn hạ," đồng thời yêu cầu tất cả các bên hỗ trợ Liban điều tra vụ việc.
Ngoại trưởng Kerry bày tỏ sự cảm thông đối với gia đình các nạn nhân, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh khiến tình hình phức tạp hơn.
Ông Kerry cũng cho biết Mỹ ủng hộ cam kết của Liban nhằm điều tra vụ việc và hối thúc "đưa những kẻ chủ mưu ra công lý."
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã lên án gay gắt "hành động khủng bố" nói trên và kêu gọi trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về việc kích động bạo lực trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Moskva cho rằng vụ việc đã tác động tiêu cực tới nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công đẫm máu không chỉ ở Liban mà còn ở các nước khác trong cùng khu vực, làm tăng mâu thuẫn giữa các bên và gây tổn thất nặng nề cho người dân.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cho biết bà cảm thấy "kinh hoàng trước vụ đánh bom" và "lên án vụ tấn công khủng bố này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất," đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của EU đối với sự thống nhất, nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liban./.