Vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình đã khiến người dân Hà Nội rất bức xúc. Người dân thủ đô càng trở nên bức xúc hơn khi chủ đầu tư (Công ty Cổ phần May Lê Trực) đã quá chậm chạp trong việc tự phá dỡ phần sai phạm.
Trước thực tế đó, ngày 6/3 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình tổ chức cưỡng chế, phá dỡ phần sai phạm. Đến nay, công tác phá dỡ phần sai phạm đã được cải thiện hơn nhưng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình Đỗ Viết Bình thừa nhận tiến độ phá dỡ vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, quận đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên và các lực lượng chức năng trong quá trình triển khai phương án cưỡng chế phải bảo đảm yêu cầu về tiến độ, quản lý đô thị. Đặc biệt, phải đảm bảo về kết cấu, độ an toàn công trình khi đưa vào sử dụng sau này và an toàn tuyệt đối đối cho công nhân trực tiếp phá dỡ cũng như người dân sinh sống, đi lại xung quanh khu vực.
Theo Chủ tịchỦy ban Nhân dân quận Ba Đình, với các giải pháp phá dỡ hết sức cẩn trọng theo đúng các quy định, quy chuẩn, sau hơn ba tuần phá dỡ, đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát - đơn vị đã được Ủy ban Nhân dân phường ký hợp đồng thực hiện phá dỡ - đã thực hiện khối lượng cao hơn khối lượng chủ đầu tư tự khắc phục trước đó.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường vào ngày 1/4 vừa qua, có gần 20 công nhân đang dùng máy khoan loại lớn để phá dỡ bêtông tầng 19. Đến thời điểm này, toàn bộ tum nhỏ với diện tích khoảng 39m2 đã phá dỡ xong. Đối với phần tum thang lớn với tổng diện tích khoảng 220m2, đơn vị phá dỡ đã dỡ xong khoảng 200m2, chỉ còn lại 20m phần kỹ thuật thang máy để xả phế thải. Riêng tại mái tầng 19, các công nhân đã phá dỡ được hơn 200m2/18.000m2 sàn bêtông.
Anh Nguyễn Văn Thiết, Tổ trưởng tổ khoan, nói: “Chúng tôi làm việc liên tục từ 7 giờ sáng đến 11 giờ, chiều từ 1 giờ đến 17 giờ. Tuy nhiên, do ở trên cao, thời tiết không thuận lợi, trong khi bê tông ở đây quá rắn, với lớp bêtông dầy, mác cao và hai lần cốt thép, việc phá dỡ diễn ra rất vất vả. Chúng tôi phải liên tục phải thay ca do áp lực của tiếng ồn cũng như độ rung của máy tác động ngược lại với người vận hành. Biết áp lực rất cao về tiến độ nhưng chúng tôi cũng không thể làm ẩu được vì đây không phải việc phá xong bỏ đi mà còn đảm bảo đến chất lượng của tòa nhà.”
Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận đã trực tiếp họp với các phòng ban chức năng, Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên, đơn vị phá dỡ và lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, yêu cầu thực hiện ngay các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Trước mắt, từ ngày 1/4 vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát phải tăng nhân công và phương tiện, máy khoan cắt bêtông, tối thiểu mỗi ngày phải có 20 công nhân trực tiếp phá dỡ, cùng hơn chục công nhân thu dọn phế thải. Bên cạnh đó, Công ty phải xây dựng kế hoạch cũng như khối lượng phá dỡ hàng ngày để các cấp chính quyền và lực lượng Thanh tra Xây dựng theo dõi, giám sát.
Đặc biệt, cũng từ ngày 1/4 vừa qua, theo chỉ đạo của quận Ba Đình, hàng ngày, Công ty phải cử cán bộ trực tại hiện trường để kịp thời ghi nhận, giải quyết những phát sinh vướng mắc trong quá trình phá dỡ.
Mặt khác, quận Ba Đình cũng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh phương án phá dỡ phần sai phạm giai đoạn 2 để Ủy ban Nhân dân quận tổ chức cuộc họp với các sở ngành thành phố và Bộ Xây dựng cho ý kiến về phương án kiến trúc, kết cấu toàn bộ công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố tại Thông báo 351 ngày 2/11/2015.
Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm nhất của địa phương trong tháng Tư và Năm nhằm xử lý dứt điểm phần vi phạm giai đoạn 1.
Đề cập đến thông tin của dư luận về việc thực hiện phá dỡ có ảnh hưởng đến cuộc sống của một số hộ dân xung quanh công trình nhất là tiếng ồn, bụi bặm, vấn đề an toàn, lãnh đạo quận đã giao trách nhiệm rất cụ thể đến Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên, Công an phường tổ chức gặp gỡ các hộ dân sinh sống sát tòa nhà để tuyên tuyền, giúp nhân dân hiểu và đồng cảm với các cấp chính quyền trong việc xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư. Quận cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, luôn tiếp nhận ý kiến của người dân để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Đặc biệt, trước thông tin mới đây chủ đầu tư và người mua nhà dự án đã có những động thái “kêu cứu” gửi đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông Đỗ Viết Bình khẳng định quận không có quan điểm hay chỉ đạo nào để “chùng chình” thực hiện hoặc cố tình chậm trễ trong việc phá dỡ mà vẫn cương quyết chỉ đạo xử lý sai phạm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và thành phố.
Như tin TTXVN đã đưa, ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 351 ngày 2/11/2015, có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm công trình sai phạm số 8B Lê Trực, bảo đảm yêu cầu về quản lý đô thị, không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của nhân dân khu vực lân cận.
Theo kết luận của Thủ tướng và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B phố Lê Trực là nghiêm trọng.
Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị./.