Vụ chôn thuốc trừ sâu là sự kiện môi trường "nóng" nhất 2013

Vụ việc Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn hàng trăm tấn thuốc trừ sâu xuống lòng đất là một trong 10 sự kiện môi trường “nóng” nhất năm 2013.

Theo các chuyên gia về môi trường, năm 2013 là một năm "tai tiếng" với nhiều sự kiện môi trường "nóng bỏng." Trong đó, vụ chôn hàng trăm tấn thuốc trừ sâu xuống lòng đất của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái; hay Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi là những sự kiện điển hình của năm.

Dưới đây là 10 sự kiện môi trường gây chấn động nhất trong năm 2013 vừa được trang tin môi trường (tinmoitruong.vn) thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Câu lạc bộ Nhà báo môi trường Việt Nam bình chọn.

1. Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn hàng trăm tấn thuốc trừ sâu xuống lòng đất

Sáng ngày 26/8 chiếc xe tải của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái (trụ sở tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) chở nhiều thùng phuy chứa phế thải sản xuất thuốc trừ sâu đi tẩu tán. Ngay sau đó, hàng trăm người dân của 2 xã Cẩm Tâm và xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) đã kéo ra đường chặn chiếc xe lại, không cho đưa đi, đồng thời báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng.

Những ngày sau đó, cơ quan chức năng cùng với nhân dân ở đây đã đào bới được hơn 843 tấn thuốc trừ sâu độc hại dưới lòng đất trong khuôn viên công ty. Trước sai phạm này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định xử phạt Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái hơn 420 triệu đồng và tỉnh tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.

2. Bộ Công Thương “loại” vĩnh viễn dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Sau gần 3 năm (từ năm 2011-2013) tổ chức nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu, hội thảo và tranh luận của nhiều bên, 23/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại văn bản số 7958/VPCP-KTN yêu cầu các Bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý hai dự án này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã loại hai dự án thủy điện ra này khỏi qui hoạch. Điều này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ phía nhân dân cũng như trong giới khoa học.

3. Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – Luật Đất đai 2013

Sáng 29/11, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 89,96% tổng số đại biểu tán thành. Luật này quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế-xã hội và mục đích quốc gia công cộng.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất theo biến động thị trường cũng được bổ sung vào Luật. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014.

4. Vỡ bờ moong chứa titan của Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận

Sáng ngày 18/11, bờ moong chứa nước (để lọc titan) của Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận đã bị vỡ. Tại hiện trường, bùn đỏ tràn qua mặt đường, đổ vào rừng phi lao phòng hộ ven biển, các resort xung quanh và tràn xuống biển. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn đã bị tắc nghẽn.

Theo một cán bộ tỉnh Bình Thuận, mỗi lần vỡ bờ moong đều ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh vì trong titan có chất phóng xạ. Để khắc phục sự cố, các nhà chức trách đã chỉ đạo chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm giải quyết và khắc phục hậu quả.

5. Đình chỉ hoạt động Công ty Hào Dương do xả thải nước độc hại ra sông Đồng Điền

Từ năm 2005 cho đến nay, công ty Hào Dương đã liên tiếp bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt hành chính về hành vi xả nước thải độc hại trực tiếp ra sông Đồng Điền, nhưng công ty này vẫn tiếp tục tái phạm.

Ngày 20/11/2013 ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động đối với Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương cho đến khi công ty này thực hiên xong các biện pháp bảo vệ môi trường.

6.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên trong năm 2014

Trong 2 ngày 23, 24/12/2013, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Hiện nay cả nước có tổng cộng 10,5 triệu ha rừng tự nhiên. Trong đó có 2 triệu ha rừng đặc dụng, 4 triệu ha rừng phòng hộ-đây là diện tích rừng cấm khai thác, còn lại 4,5 triệu ha rừng tự nhiên cho khai thác có kế hoạch. Tuy vậy, trong năm 2014 sẽ kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không cho khai thác nữa để rừng phục hồi.

7. Phát hiện động dung nham dài nhất Đông Nam Á ở tỉnh Đồng Nai

Từ tháng 2/2013, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Hội Hang động Berlin-Đức đã khảo sát 11 hang dung nham với tổng chiều dài 1,8km. Trong đó có hang Dơi, thuộc ấp 8, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Hang Dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gẫy tạo ra hai hang là hang Dơi 1 và hang Dơi 2, với chiều cao lên tới 4m và chiều rộng 10m. Nhóm khoa học còn phát hiện một số loài dơi trong hang với quần thể lên đến hàng nghìn con, cùng với các loài động vật khác thuộc nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, động vật có vú giống như chồn.

8. Công ty cổ phần trồng rừng Công nghiệp Gia Lai vi phạm chủ trương chuyển đổi rừng nghèo

Ngày 25/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Công ty cổ phần trồng rừng Công nghiệp Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai)  dừng ngay việc chặt bỏ cây cao su, giữ nguyên hiện trường và dừng ngay việc trồng mía trên diện tích gần 200 ha đất được giao để trồng cao su tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (Gia Lai).

Hiện tại dư luận đang nóng lòng chờ sự phán quyết của tỉnh Gia Lai về cú qua mặt “ngoạn mục” này. Chủ trương chuyển đổi 50 ngàn ha rừng nghèo sang trồng cây cao su là một chủ trương lớn của Chính phủ, vì vậy rất cần sự cứng rắn đối với những trường hợp cố ý làm sai của doanh nghiệp.

9. Phát hiện loại mang lớn hiếm có tại khu bảo tồn Sao La, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trong tháng 10/2013, Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát hiện được hình ảnh của loại mang lớn (tên khoa học là Muntiacus vuquangensis) - loài thú quý hiếm đang sống ngoài tự nhiên ở Khu bảo tồn Sao La.

Hiện Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đang giúp đỡ Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên - Huế thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, đặt các bẫy ảnh trong khu bảo tồn nhằm nỗ lực tìm kiếm loại mang lớn này.

10. Tìm thấy hoa Trà Mi Krempf tại Khánh Hòa sau hơn 100 năm “mất tích”

Ngày 2/11, thạc sĩ Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm khoa Sinh trường Đại học Đà Lạt cho biết nhóm nghiên cứu của trường đã phát hiện một quần thể cây Trà Mi Krempf tại Hòn Giao, tỉnh Khánh Hòa “mất tích” sau hơn 100 năm.

Hoa Trà Mi Krempf được phát hiện ở độ cao khoảng 800m, trong kiểu rừng kín thường xanh, có số lượng cá thể tương đối nhiều. Đây là loài tiểu mộc cao 5-8m, lá có phiến hình thon dài, đáy lá hình tim giống lá cây hải đường, hoa có màu đỏ gạch, đường kính 5,5-7cm; quả hình cầu dẹt, đường kính 6-6,5cm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục