Vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Los Angeles phơi bày sự bất ổn của thị trường nhà đất Mỹ

Một trong những hậu quả lớn nhất từ thảm họa cháy rừng đang xảy ra ở Mỹ là áp lực giảm giá tác động lên thị trường nhà đất. Các chuyên gia dự đoán, sau vụ cháy rừng ở Los Angeles, vấn đề sụt giá nhà vì thảm họa thiên nhiên chắc chắn sẽ lan rộng sang các vùng khác ở nước Mỹ.

Một ngôi nhà bốc cháy dữ dội do ảnh hưởng từ cháy rừng tại Altadena, California. (Nguồn: Reuters)
Một ngôi nhà bốc cháy dữ dội do ảnh hưởng từ cháy rừng tại Altadena, California. (Nguồn: Reuters)

California đang chìm trong biển lửa, với những đám cháy khó kiểm soát bùng lên tại thành phố Los Angeles, bao gồm cả khu vực thượng lưu Pacific Palisades. Lửa thiêu rụi một khu vực rừng rộng hơn 16.400 ha, cướp đi sinh mạng của 24 người và buộc hơn 150.000 người phải sơ tán. Ước tính ban đầu của dịch vụ dự báo thời tiết AccuWeather chỉ ra rằng thiệt hại có thể vượt quá 50 tỷ USD.

California từ lâu đã phải đối mặt với hạn hán, gió lớn và thiếu nước. Tuy nhiên, quy mô của vấn đề đã tăng lên nhanh chóng.

Theo số liệu của Cơ quan Lâm nghiệp và Phòng cháy rừng California, 9 trong số 10 trận cháy rừng lớn nhất kể từ năm 1932 đã xảy ra trong thập kỷ qua. Thiệt hại kinh tế của các vụ cháy rừng là không nhỏ, thể hiện rõ qua vụ PG&E phá sản vào năm 2019. Đây từng là công ty cung cấp điện lớn nhất Mỹ vào thời điểm đó, nhưng đã sụp đổ sau vụ cháy rừng xảy ra ở Bắc California.

Cháy rừng đã tàn phá các khu vực giàu có nhất nước Mỹ, nơi những ngôi sao như Paris Hilton hay Billy Crystal mất đi nhiều dinh thự. Một điểm sáng duy nhất là cháy rừng thu hút sự chú ý lớn hơn của công chúng đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này trái ngược với những gì xảy ra, khi thảm họa xuất hiện ở các khu vực nghèo khó như Louisiana.

Các công ty bảo hiểm "chạy trốn" khỏi rủi ro

Các công ty bảo hiểm đã nhanh chóng thấy bài toán kinh tế xuất hiện sau thảm họa cháy rừng. Nhiều công ty đã rút khỏi California, do mức phí bảo hiểm hiện tại không thể theo kịp mức độ rủi ro thực tế.

Cụ thể, theo trang State Farm, 12 nhà bảo hiểm lớn nhất đang chiếm khoảng 85% thị phần bảo hiểm nhà ở tại Mỹ. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, 7 trong số đó đã tạm ngừng hoặc hạn chế ký hợp đồng mới.

Để đối phó, California đã ban hành các quy định mới nhằm tăng cường phạm vi bảo hiểm. Theo đó, các công ty bảo hiểm phải cung cấp một tỷ lệ tối thiểu các hợp đồng tại khu vực nguy hiểm, dựa trên thị phần của họ ở tiểu bang.

Đổi lại, các công ty được phép tăng phí bảo hiểm để phản ánh mức độ rủi ro được dự đoán trong tương lai, cũng như tăng chi phí tái bảo hiểm. Hoạt động tăng phí bảo hiểm, chẳng hạn như công ty Allstate tăng tới 34% vào năm ngoái, dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí. Giả sử một ngôi nhà điển hình ở California có giá trị 1 triệu USD và chi phí bảo hiểm hàng năm là 5.000 USD. Nếu tiền thuê cho ngôi nhà này là 70.000 USD, việc tăng gấp đôi phí bảo hiểm có thể làm giảm giá trị ngôi nhà tới 7%.

Theo cách tính đó, những ngôi nhà ở các khu vực nguy hiểm hơn sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn, đặc biệt nếu không thể đáp ứng yêu cầu bảo hiểm từ các tổ chức cho vay thế chấp. Năm ngoái, State Farm đã hủy bỏ hầu hết các hợp đồng bảo hiểm tại Pacific Palisades, khiến giá bán nhà trung bình ở đây giảm 16%, theo dữ liệu từ cổng thông tin bất động sản Redfin.

Đây không phải là vấn đề của riêng khu vực Hollywood. Cần biết rằng giá nhà trung bình trên khắp nước Mỹ đã tăng khoảng 50% trong bối cảnh những cơn bão mạnh hơn, những cơn giông và lũ lụt đang xuất hiện nhiều hơn ở khắp nơi. Các chuyên gia dự đoán, sau vụ cháy rừng ở Los Angeles, vấn đề sụt giá nhà vì thảm họa thiên nhiên chắc chắn sẽ lan rộng sang các vùng khác ở nước Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục