Vụ cháy phà ở Hy Lạp: Đã có 10 người chết, 38 người vẫn mất tích

Số người thiệt mạng trong vụ cháy phà Norman Atlantic tại biển Hy Lạp đã lên tới 10 người và số người vẫn mất tích hiện là 38 người; công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tiếp tục.
Vụ cháy phà ở Hy Lạp: Đã có 10 người chết, 38 người vẫn mất tích ảnh 1Tàu hải quân Italy giải cứu hành khách khỏi con phà bị nạn ngày 28/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Italy dẫn hãng tin ANSA cho hay số người thiệt mạng trong vụ cháy phà Norman Atlantic khi tàu này đang trên đường biển từ Hy Lạp sang Italy đã lên tới 10 người, trong khi đó, theo To Vima, mạng tin được cho là đáng tin cậy của Hy Lạp, số người hiện được cho là mất tích là 38 người.

Mặc dù Hải quân Italy khẳng định đã sơ tán toàn bộ số hành khách và thủy thủ đoàn kẹt lại từ vụ cháy sáng sớm ngày 28/12 vào bờ, tuy nhiên, các nguồn tin Italy khẳng định rằng, cần phải thẩm định lại số người thực tế đã xuất phát trên chuyến phà đó.

Danh sách đăng ký bao gồm 478 hành khách và thủy thủ đoàn, một nửa số đó là người Hy Lạp, nhưng theo Bộ trưởng Giao thông Italy Maurizio Lupi, cảng Patras, Hy Lạp, nơi con tàu xuất phát, cần phải xem xét cụ thể số người thực tế trên con phà, do “một số người được cứu không hề có tên trong danh sách hành khách,” vì vậy, rất khó có thể xác định được một cách chi tiết “đã có bao nhiêu người mất tích."

Ông Lupi đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp báo ở Rome hôm 29/12.

Tính cho đến tối ngày 29/12, một ngày sau sự cố, người ta mới vớt được thi thể của 5 hành khách thiệt mạng. Trước đó, thi thể của một người đàn ông Hy Lạp đã được vớt lên. Tuy nhiên, theo ANSA, chưa thể xác định được nhân thân của người này. Ban đầu, người ta nghĩ đó là một người đàn ông 62 tuổi, chồng của một phụ nữ Hy Lạp được cứu trong vụ cháy phà.

Con trai của một nạn nhân trong vụ tai nạn đã được đưa đến nhận dạng thi thể, nhưng khẳng định đó không phải là cha của anh ta.

Do chủ phà là một công ty của Italy, nên tuy sự cố xảy ra trên vùng biển quốc tế, song trách nhiệm điều tra thuộc về phía Italy.

Hiện tại, 3 Viện công tố các thành phố Bari, Brindisi và Lecce của vùng Puglia, nơi mà các hành khách và thủy thủ đoàn được đưa đến đó, đã mở ba cuộc điều tra song song và độc lập về nguyên nhân của vụ cháy phà Norman Atlantic, đồng thời xác định trách nhiệm của chủ tàu và thủy thủ đoàn trong tai nạn nghiêm trọng này.

Một công tố viên của Viện công tố Brindisi, ông Marco Dinapoli, nói rằng, Viện này đã mở điều tra về tội cố ý giết người.

Theo nhật báo hàng đầu Italy La Repubblica, một chi tiết đáng chú ý mà cơ quan điều tra đang làm rõ, là việc chiếc phà này vẫn vận hành như kế hoạch, dù 9 ngày trước đó, một cuộc kiểm tra kỹ thuật đã phát hiện được 6 lỗi kỹ thuật liên quan đến con phà, trong đó có các cửa chống lửa của phà “có trục trặc.”

Một nhân chứng người Hy Lạp nói với La Repubblica rằng, vào thời điểm đám cháy bùng lên trên tàu, cũng không hề có chuông báo động vang lên. Các nhân chứng cho biết, đám cháy xuất phát từ khoang chứa xe hơi của phà. Vào thời điểm đó, phà chứa hơn 200 xe hơi, xe tải và xe chở khách các loại.

Báo chí Italy cho rằng, vụ cháy phà Norman Atlantic đã dóng lên hồi chuông báo động về việc đăng kiểm và tính hợp pháp của các vụ chuyển giao phương tiện vận tải thủy ở Italy.

Phà Norman Atlantic được hạ thủy vào năm 2009, có sức chở tối đa 880 người. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, phà đã 3 lần đổi chủ quản lý khác nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục