Vừa qua, bệnh nhân Lê Hoàng Lâm đã bị cắt cụt 1/3 dưới đùi phải. Gia đình cho rằng bác sỹ của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh đã tắc trách trong chẩn đoán, kết luận “chấn thương phần mềm gối phải,” cho rằng uống thuốc vài ba ngày sẽ kết và hẹn một tuần khám lại.
Tuy nhiên, mới sau 3 ngày bệnh nhân đã phải quay lại viện vì đau đớn, hoại tử và phải cưa chân.
Vấn đề trên đang thu hút sự chú ý của dư luận. Về phía cơ quan bảo vệ pháp luật, cụ thể là phía luật sư, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), để có cái nhìn toàn diện về sự việc này.
Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh
- Trước sự cố đau lòng trên xảy ra trong công tác khám chữa bệnh làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh, quan điểm của luật sư về vấn đề này ra sao?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Hành vi chẩn đoán sai bệnh của bác sỹ Trần Chí Khôi (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh) dẫn tới hậu quả bệnh nhân Lê Hoàng Lâm phải bị cưa 1/3 chân đã có dấu hiệu phạm tội, vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 242 Bộ Luật hình sự.
- Luật sư có thể nói rõ hơn về sự vi phạm này?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Căn cứ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận nguyên nhân của sự việc: Bác sỹ Khôi còn hạn chế kinh nghiệm trong chẩn đoán và xử trí trường hợp khó.
Bác sỹ Trần Chí Khôi là Bác sỹ chuyên khoa II của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh có chức năng và nhiệm vụ khám bệnh và đưa ra các phương án điều trị cho bệnh nhân theo quy định của ngành y.
Xuất phát từ vụ việc khoảng 18 giờ ngày 21/6, anh Lê Hoàng Lâm chạy xe máy lên xã Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An) để giữ rẫy dưa thì bị té, chân phải đập mạnh vào gốc cây ven đường. Sau đó anh được người dân chở đến Bệnh viện Mộc Hóa cấp cứu.
Xác định đây là ca nặng nên sau khi sơ cứu, bệnh viện đã chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Long An. Lúc này chân anh Lâm ngày càng sưng to và đau hơn nên gia đình quyết định chuyển lên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sỹ Trần Chí Khôi khám và chỉ định chụp X-quang kiểm tra. Bác sỹ xem qua kết quả chụp phim rồi cho biết chỉ bị bong gân. Sau đó, bác sỹ kê toa thuốc cho xuất viện, hẹn tuần sau lên tái khám. Về nhà được 3 ngày thì tình hình càng trở nặng, nên gia đình đưa lên lại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình kiểm tra lại.
Sau đó, bệnh viện đã họp và chuyển anh Lâm sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Sáng 25/6/2016, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán anh Lâm bị hoại tử bàn chân phải, tắc động mạch kheo phải, chấn thương gối phải. Phương pháp điều trị: phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới đùi phải.
Hậu quả sau ba ngày kể từ ngày bác sỹ chẩn đoán sai bệnh, anh Lê Hoàng Lâm phải phẫu thuật cắt cụt 1/3 chân là có mối quan hệ nhân quả do hành vi không tuân thủ đúng quy định về khám chữa bệnh của bác sỹ trên gây ra.
Theo tôi, đáng lẽ ra, khi gặp ca chấn thương này thì bác sỹ cần phải thực hiện đúng quy trình khám bệnh rất chặt chẽ của ngành y.
Hồi chuông cảnh báo trách nhiệm của bác sỹ
- Thưa Luật sư, những quy trình khám bệnh rất nghiêm ngặt này của ngành y tế là gì?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Quy trình khám bệnh rất chặt chẽ của ngành y bao gồm khám ngoài: như đo huyết áp, tim mạch, đánh giá triệu chứng đau luôn luôn là biểu hiện và phản ánh trung thành mức độ chèn ép khoang đã không được lưu tâm đúng mức. Màu sắc da, và bắt mạch mu chân tuy đơn giản nhưng hết sức cần thiết để đánh giá lưu thông máu huyết…
Quy trình khám trong bao gồm chụp X-quang kiểm tra. Đối với chấn thương bên trong phải chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để chẩn đoán các rối loạn cơ bắp, xương, gãy xương. Mục đích để phát hiện chấn thương nội bộ và chảy máu nội bộ.
Căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn, hành vi của bác sỹ Trần Chí Khôi đã vô ý (do tự tin hoặc cẩu thả) không tuân thủ đúng các quy định về khám, chữa bệnh gây thiệt hại đến sức khỏe của anh Lê Hoàng Lâm bị cắt cụt 1/3 chân dưới đùi phải và gây mất uy tín cho ngành y trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trong tình hình hiện nay, trong khi ngành y tế đang cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất của các cơ sở y tế để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thì hành vi của bác sỹ trên đã gây ra là một hồi chuông cảnh báo đến công tác quản lý cán bộ, năng lực và tinh thần trách nhiệm của bác sỹ trong việc cứu chữa người bệnh.
Bồi thường thiệt hại theo Luật
- Với sự cố đáng tiếc đã xảy ra như trên, theo luật sư thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe bệnh nhân được xác định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Do bác sỹ Trần Trọng Khôi là bác sỹ thuộc biên chế của Bệnh Viện chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh thì khi xảy ra hậu quả do lỗi của bác sỹ gây ra trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện thì phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
- Việc bồi thường thiệt hại theo Luật sư được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 cụ thể là gì?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo các quy định trong luật. Cụ thể:
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã quy định rõ: 1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Xin trân trọng cảm ơn luật sư./.