Ngày 18/7, tại phiên toà xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu,” nhiều bị cáo, luật sư bào chữa cho rằng bị cáo không thỏa thuận, không gây khó dễ và cũng không đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa tiền hối lộ mới được cấp phép các chuyến bay, cấp phép thực hiện chủ trương cách ly tại địa phương, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng…
Bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng việc nhận tiền của Chử Xuân Dũng mang tính thụ động và “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu.”
Xuyên suốt hành vi phạm tội của bị cáo, các lời khai cùng các chứng cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án đều thể hiện rất rõ rằng bị cáo không có bất kỳ một sự thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ nào đối với doanh nghiệp để được nhận tiền.
Theo luật sư Trịnh Văn Tuyến, tại phiên xử sáng 14/7, khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa), Chử Xuân Dũng đã khái quát hành vi phạm tội của mình rằng: “Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn, chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này.”
Điều đó cho thấy mặc dù Chử Xuân Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái, nhưng không nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly.
Do vậy, luật sư Tuyến khẳng định: “Chúng tôi đồng thuận với quan điểm, nhận định của Viện Kiểm sát trong phần luận tội khi xác định, một số bị cáo không chủ động yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền nhưng đã không tránh được những cám dỗ.”
Về các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Chử Xuân Dũng, theo luật sư, năm 1994, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, Dũng được phân công về Trường Trung học Phổ thông Sóc Sơn công tác, giảng dạy.
Tại đây, Chử Xuân Dũng chính là người tiên phong đưa “ánh sáng” tin học, công nghệ thông tin về cho các học trò ở một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội.
Kể từ thời điểm đó cho đến trước khi vụ án xảy ra, Chử Xuân Dũng đã góp phần dạy dỗ, đào tạo ra lớp lớp thế hệ học trò ở Thủ đô. Trong số ấy, không ít người hiện là sỹ quan Công an, sỹ quan Quân đội, giảng viên đại học, bác sỹ, kỹ sư, cán bộ công chức Nhà nước và doanh nhân… Đó là những đóng góp lớn của bị cáo đối với xã hội.
Luật sư Tuyến tâm tư bên cạnh hình phạt, bản án của pháp luật tới đây, sự ân hận, day dứt, xen lẫn sự hổ thẹn trong lòng cũng chính là một hình phạt, bản án nữa vô cùng hà khắc đối với Chử Xuân Dũng và nó sẽ đi theo bị cáo suốt cả quãng đời còn lại.
[Chuyến bay giải cứu: Bị cáo Hưng hướng dẫn đối phó cơ quan điều tra]
Luật sư mong mỏi Hội đồng Xét xử, đại diện Viện Kiểm sát xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo và khách quan, toàn diện hơn nữa về hành vi phạm tội của Chử Xuân Dũng. Từ đó, áp dụng mức hình phạt thấp hơn mức hình phạt mà đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị.
Tự bào chữa cho mình, Chử Xuân Dũng đã trình bày về những đóng góp của mình trong công tác phòng, chống COVID-19, nỗi đau xót của mình...
Trước đó, Chử Xuân Dũng bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 4-5 năm tù về tội “Nhận hối lộ” do đã nhận của hai cá nhân tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng để duyệt cấp phép cách ly trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chử Xuân Dũng nói việc bản thân phải đứng ở đây quả thực rất đau xót. Bị cáo xin Hội đồng Xét xử xem xét, cho bị cáo cơ hội sớm quay trở lại với gia đình, xã hội, có cơ hội đóng góp thêm sức lực của mình để phục vụ xã hội.
Bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, luật sư Lê Thành Kính khẳng định, bị cáo Tô Anh Dũng không có động cơ vụ lợi trong công việc, giữa bị cáo và doanh nghiệp, cá nhân khi gặp gỡ không có thỏa thuận ăn chia.
Tô Anh Dũng không đòi hỏi, gợi ý và không gây khó dễ với các doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi các chuyến bay đã được phê duyệt hoặc đã hoàn thành, các doanh nghiệp mới chủ động đến gặp và cảm ơn.
Các doanh nghiệp này nói được tạo điều kiện tham gia các chuyến bay combo có lợi nhuận trong lúc khó khăn, dịch bệnh hoành hành nên muốn đến cảm ơn Tô Anh Dũng, do trước đó bị cáo đã hướng dẫn họ nhiệt tình, tận tâm, không đòi hỏi điều kiện gì.
Trình bày tại Tòa, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Du lịch Dịch vụ Hàng không An Bình) cũng thừa nhận bị cáo Tô Anh Dũng không đòi hỏi, ép buộc hay gợi ý bị cáo Mơ phải đưa tiền mới cấp phép các chuyến bay giải cứu. Việc Mơ đưa tiền là để cảm ơn sự giúp đỡ trước đó của Tô Anh Dũng.
Liên quan đến vụ án, luật sư bào chữa cho Anh Dũng cho biết, gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền 21,5 tỷ đồng nhận hối lộ. Luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ. Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch. Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng. 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” 54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” - 23 bị cáo ; “Nhận hối lộ” - 21 bị cáo; “Môi giới hối lộ” - 4 bị cáo; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - 1 bị cáo; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - 4 bị cáo và 1 bị cáo với 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ." * Đối với 21 bị cáo bị xét xử về tội “nhận hối lộ,” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt các mức án gồm: Tử hình: Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) * Đối với nhóm 23 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “đưa hối lộ," đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm: 11-12 năm tù: Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 12-18 tháng tù (hưởng án treo): Đào Thị Chung Thúy (trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông-HN) * Đối với 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm: 5-6 năm tù: Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) 6-7 năm tù: Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc CA TP Hà Nội) 19-20 năm tù với bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an. * Đối với bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" “Đưa hối lộ” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án: 15-17 năm tù với bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CPXD Thái Hòa) trong đó từ 14-15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và từ 1-2 năm tù về tội “Đưa hối lộ.” |