Xung quanh việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hà xin Hà Nội cho phép dừng vận hành 5 tuyến buýt (số 41 đến 45) từ ngày 1/8 do gặp khó khăn tài chính, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết không có chuyện thành phố chậm chi trả thanh toán cho các tuyến xe buýt này.
Không để mạng lưới buýt Thủ đô bị “đứt gãy”
- Sau khi Công ty Bắc Hà xin Hà Nội dừng vận hành 5 tuyến buýt, liệu hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố sẽ bị “đứt gãy” không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Sở Giao thông Vận tải sẽ họp bàn với các Sở, ngành liên quan, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội để có phương án xử lý một cách sớm nhất. 5 tuyến buýt này được Bắc Hà tham gia đấu thầu vào năm 2019, theo lộ trình 5 năm thì doanh nghiệp còn 2 năm vận hành nữa mới đến kỳ đấu thầu mới.
Phương án xử lý tối ưu nhất là thành phố Hà Nội sẽ tìm một doanh nghiệp khác có năng lực, kinh nghiệm và đang thực hiện tương tự hợp đồng của Công ty Bắc Hà để đảm nhận 5 tuyến buýt trợ giá này bởi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có hơn 10 doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng với hơn 100 tuyến buýt có trợ giá. Hết thời gian hợp đồng thực hiện “vá” 5 tuyến này sẽ cho đấu thầu lại.
Quan điểm của Sở Giao thông Vận tải là việc xử lý sẽ theo tiêu chí nhanh nhất để làm sao đảm bảo trước ngày 1/8 (ngày buýt Bắc Hà xin dừng hoàn toàn 5 tuyến buýt trợ giá) có phương án thay thế kịp thời để duy trì hoạt động các tuyến buýt này, nhằm giảm tác động tối đa đến việc đi lại của người dân.
- Một số ý kiến cho rằng, đại dịch COVID-19 kéo dài cùng với giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong khi đơn giá, định mức của thành phố không cập nhật theo kịp thực tế này đã đẩy doanh nghiệp buýt vào thế khó khăn về nguồn vốn. Vậy, Hà Nội đã có giải pháp gì để tháo gỡ?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Trải qua 2 năm dịch bệnh COVID-19 cùng với đó là giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây đã khiến các doanh nghiệp vận tải nói chung và vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp khó khăn do dừng hoàn toàn hoạt động và giảm dịch vụ, dẫn đến doanh thu sụt giảm.
[Hà Nội: Doanh nghiệp xin bỏ khai thác 5 tuyến buýt do hết tiền]
Ngay cả khi xe buýt dừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền lương người lao động, bảo trì bảo dưỡng phương tiện… Thực trạng này không phải xảy ra đối với Bắc Hà mà hơn 10 đơn vị buýt vẫn “gồng mình” chạy các tuyến buýt vượt qua 2 năm đại dịch.
Thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo các Sở, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Cụ thể là tính toán, điều chỉnh lại sản lượng trong hợp đồng cũ cho phù hợp với tình hình hoạt động khó khăn trong giai đoạn COVID-19 vừa qua đồng thời xây dựng các đơn giá, định mức mới với từng loại hình cho phù hợp… Tuy nhiên, những việc này đòi hỏi phải có thời gian và phải tuân thủ đúng các quy trình, quy định của pháp luật.
Hoạt động vận tải công cộng liệu có lãi?
- Liệu có việc thành phố thanh toán chậm và doanh nghiệp buýt phải tự xoay sở dòng tiền để cầm cự qua ngày không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Không có chuyện đó. Hiện đã hết quý 2/2022 và theo quy định Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thanh toán cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng kinh phí của quý 1/2022 và tạm ứng của quý 2. Khi nào hoàn tất hồ sơ, thủ tục, thành phố sẽ thanh toán phần còn lại của quý 2/2022 dựa trên sản lượng nghiệm thu.
Trong đề bài hồ sơ mời thầu, thành phố có quy định doanh nghiệp tham gia đấu thầu buýt (có trợ giá) phải có năng lực, kinh nghiệm quản lý, đặc biệt là nguồn tài chính bảo lãnh ngân hàng… để đủ điều kiện vận hành.
Nhà nước không đẩy doanh nghiệp buýt vào khó khăn nhưng không có nghĩa là Nhà nước đồng ý ngay ngày mai giải quyết và phải theo đúng quy trình. Doanh nghiệp buýt nên đồng hành và thành phố đã và đang làm mọi cách cố gắng tạm ứng tối đa các gói thầu, giải ngân nhanh cho đơn vị.
- Nhưng nhiều ý kiến lại thắc mắc tại sao doanh nghiệp buýt được Nhà nước trợ giá mà lại đứng trước nguy cơ phá sản và xin bỏ chạy loạt tuyến này?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Thành phố đã có đơn giá chi trả đủ chi phí cho đơn vị vận hành buýt và nuôi bộ máy, có thể không quá nhiều nhưng đủ để doanh nghiệp tham gia “cuộc chơi” đấu thầu buýt.
[Hà Nội sẽ tìm đơn vị khác duy trì 5 tuyến buýt mà Bắc Hà xin dừng chạy]
Hoạt động vận tải công cộng khó có lãi nên thành phố đã có đơn giá chi trả đủ chi phí cho đơn vị vận hành buýt. Mức trợ giá có thể không quá nhiều nhưng đủ để đơn vị vận hành xe, nuôi lao động, đảm bảo khấu hao trang thiết bị, lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Doanh nghiệp phải có trách nhiệm vận hành theo đơn giá đó.
Bắc Hà có thể chỉ chạy 5 tuyến này nhưng còn tham gia các hoạt động kinh doanh khác. Mặc khác, COVID-19 kéo dài trong 2 năm nên có rất nhiều doanh nghiệp phá sản. Vì vậy, câu hỏi này chính là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp phải trả lời.
- Ông nghĩ gì về việc 5 tuyến này dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng kế hoạch mở luồng tuyến trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Tôi khẳng định không ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Đến nay, hệ thống đã đáp ứng khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng dần trong các năm tới.
Trong năm 2022, Hà Nội có 9 tuyến xe buýt điện được đưa vào khai thác; 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cũng đã đấu thầu xong và hiện đã có 1/5 tuyến đi vào khai thác.
Hiện, Sở Giao thông Vận tải đang trình thành phố kế hoạch tiếp tục đấu thầu 17 tuyến nằm trong kế hoạch năm 2021 song phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, Sở đang chuẩn bị cho kế hoạch mở tiếp 15 tuyến buýt mới khác nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, qua đó từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân, gó phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
- Xin cảm ơn ông./.