Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Đỗ Thị Nhàn thừa nhận chỉnh sửa Kết luận thanh tra

Thừa nhận cáo buộc chỉnh sửa Kết luận thanh tra dẫn tới việc không phát hiện sai phạm tại SCB nhưng Đỗ Thị Nhàn khẳng định bị cáo thực hiện hành vi này theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 14/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 14/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục với phần luật sư thẩm vấn.

Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, đặt câu hỏi cho bị cáo về vai trò của Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn trả lời với cổ phần chiếm 65% (bao gồm cổ phần của bản thân bị cáo Lan và của con cái, bạn bè), bị cáo Lan là người quyết định mọi vấn đề tại SCB.

Theo bị cáo Nhàn, mọi việc của SCB khi trình qua Hội đồng cổ đông, nếu không được bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý đều không được thông qua.

Đối với lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa về việc bị cáo Lan chỉ gặp trực tiếp Đỗ Thị Nhàn hai lần để trao đổi về việc bán tài sản trả nợ cho SCB, bị cáo Nhàn xác nhận lời khai này đúng.

Liên quan đến việc thực hiện Kết luận thanh tra số 395 của Đoàn thanh tra đối với SCB, bị cáo Đỗ Thị Nhàn trình bày Kết luận thanh tra đã thể hiện rõ nội dung còn tồn tại của SCB cùng những kiến nghị để cải thiện tình hình. Hậu quả của SCB như hiện tại là do SCB đã không nghiêm túc thực hiện theo các kiến nghị chứ không phải bắt nguồn từ kết luận của Đoàn thanh tra.

Thừa nhận cáo buộc chỉnh sửa Kết luận thanh tra dẫn tới việc không phát hiện sai phạm tại SCB, không đưa ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt nhưng bị cáo Đỗ Thị Nhàn khẳng định bị cáo thực hiện hành vi này theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

Bị cáo sau đó đã chỉ đạo lại cấp dưới phối hợp thực hiện hành vi nên xin nhận toàn bộ trách nhiệm, mong Hội đồng xét xử xem xét cho các thành viên của Đoàn thanh tra.

Trước đó, trả lời câu hỏi của các luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã phủ nhận cáo buộc chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn chỉnh sửa Kết luận thanh tra tại SCB. Bị cáo Hưng khai bản thân không trực tiếp là người đi thanh tra mà chỉ là người ký quyết định thanh tra, không chỉ đạo sửa số liệu.

Bị cáo Hưng cũng cho biết theo quy định của pháp luật, bị cáo là người ra quyết định thanh tra, còn Đoàn thanh tra phải có trách nhiệm thực hiện thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.

Bị cáo Hưng khai sau khi thực hiện thanh tra Ngân hàng SCB hai lần, bị cáo đã nhận được hai báo cáo liên quan đến kết quả thanh tra của hai đợt này. Tuy nhiên, bị cáo từ chối đánh giá độ trung thực của báo cáo thanh tra, vì trong cáo trạng và kết luận điều tra đã nêu rõ, bị cáo không trả lời lại. Hưng cũng từ chối trả lời nhiều câu hỏi khác của luật sư.

Khi được luật sư nhắc lại lời khai của bị cáo Hưng, Đỗ Thị Nhàn cho biết mình có chứng cứ quan trọng chứng minh Hưng đã chỉ đạo sửa Kết luận thanh tra. Đó là báo cáo mà Đoàn thanh tra hoàn thành vào ngày 11/1/2018, được gửi lên bị cáo Hưng kèm theo hai tờ trình.

Theo bị cáo Nhàn, trong các tờ trình này, thành viên trong Đoàn thanh tra đã đề nghị bị cáo Hưng thành lập một bộ phận độc lập với đoàn để kiểm tra lại và tham mưu trước khi ban hành dự thảo Kết luận thanh tra, nhưng Hưng không thực hiện.

Sau đó, bị cáo Hưng đã chỉ đạo Nhàn sửa các hệ số an toàn của Ngân hàng SCB. Bị cáo Nhàn tiếp tục chỉ đạo lại cấp dưới là Nguyễn Thị Phụng và Tổ tổng hợp gồm: Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh… sửa báo cáo kết luận thanh tra, dẫn tới sai lệch kết quả thanh tra. Theo bị cáo Nhàn, trong cáo trạng và kết luận điều tra cũng đã nêu rõ vấn đề này.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước tại phiên tòa ngày 14/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Trương Mỹ Lan, bị cáo Đỗ Thị Nhàn cho biết rất xấu hổ vì “một phút nông nổi” đã làm ra hành vi sai trái. Nhàn khai, từ khi bị bắt, bị cáo chưa được gặp gia đình nên không biết gia đình đã nộp khắc phục cho cơ quan điều tra chưa. Nhàn mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo khắc phục 5,2 triệu USD bằng tiền và sổ tiết kiệm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lưu Quốc Thắng (cựu Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB) đặt câu hỏi cho các bị cáo thuộc ngân hàng này là Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc) và Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc) để xác định lại trách nhiệm cho thân chủ của mình.

Theo luật sư bào chữa, trong thời gian Lưu Quốc Thắng làm Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB, hằng tháng, bị cáo đều có các báo cáo cảnh báo về nhiều vi phạm trong các khoản vay, tuy nhiên Ban lãnh đạo Ngân hàng và Hội đồng Quản trị đều không có phản hồi.

Trả lời vấn đề này, các bị cáo Bùi Anh Dũng và Võ Tấn Hoàng Văn cho biết không nhớ rõ có nhận được báo cáo từ bị cáo Thắng hay không. Còn bị cáo Trương Khánh Hoàng xác nhận, trong thời gian làm Quyền Tổng Giám đốc có nhận được các văn bản báo cáo của Kiểm toán nội bộ và Ban Kiểm soát.

Sau khi nhận được những kiến nghị này, Hoàng đã phân công cấp dưới đi kiểm tra, Hội đồng Quản trị SCB cũng đã tổ chức các cuộc họp liên quan đến các vấn đề này.

Luật sư Cồ Lê Huy, bào chữa cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Phó trưởng Văn phòng Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đề nghị thân chủ làm rõ cáo buộc giúp sức Trương Mỹ Lan thành lập công ty “ma” và lên phương án “giải quỹ” số tiền được SCB giải ngân để Lan chiếm đoạt 171.360 tỷ đồng.

Tâm cho rằng cáo trạng cáo buộc bị cáo tham gia vào việc thành lập công ty “ma” là không chính xác, bởi công việc của bị cáo là quản lý danh mục tài sản, chưa bao giờ được cầm giữ sổ sách, cũng không theo dõi dư nợ của các "công ty ma." Bị cáo Tâm cho biết chưa bao giờ họp chung với bị cáo Trương Mỹ Lan. Tất cả mọi sổ sách đều được cấp trên giữ, nếu có xuất tài sản cho ai thì báo xuống phòng của bị cáo rồi bị cáo mới thực hiện cập nhật.

Bị cáo Tâm cho rằng mình chỉ là nhân viên làm công, không đủ trình độ nhận thức để biết bản thân đang thực hiện hành vi trái pháp luật. Tâm cũng cho biết không đủ khả năng khắc phục hơn 170.000 tỷ đồng mà cáo trạng cáo buộc bị cáo liên đới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục