Vụ án PVP Land: Đường đi của số tiền tham ô 19 tỷ đồng

Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng bốn ngày để xác minh khoản tiền 19 tỷ đồng bị cáo buộc là tham ô mà Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh đã chuyển trả lại cho bị cáo Thái Kiều Hương.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa tại phiên tranh tụng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) được Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng bốn ngày để xác minh, làm rõ nội dung liên quan đến khoản tiền 19 tỷ đồng bị cáo buộc là tham ô mà Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà) và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) đã chuyển trả lại cho bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan).

Đây là nội dung mới được bộc lộ, phát sinh từ phần tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa - một trong những bước cải cách tư pháp được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018.

Đường đi của số tiền tham ô 19 tỷ đồng

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, quá trình PVP Land thoái vốn tại Dự án xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza, PVP Land đã ký Hợp đồng chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần, thể hiện giá chuyển nhượng là 13.578 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất Dự án Nam Đàn Plaza). Như vậy, so với giá đã được thỏa thuận trong Hợp đồng đặt cọc (52 triệu đồng/m2), tổng giá trị hợp đồng thấp hơn 87 tỷ đồng.

Với hành vi chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần thấp hơn giá trị nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 87 tỷ đồng chênh lệch này, các bị cáo đã chia nhau chiếm đoạt tổng số 49 tỷ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) đã chiếm đoạt 5 tỷ đồng, Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVP Land) đã chiếm đoạt 8 tỷ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) chiếm đoạt 2 tỷ đồng...

Sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5, Công ty cổ phần Minh Ngân) cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ngày 21/4/2010) và triệu tập Thái Kiều Hương đến làm việc, Thái Kiều Hương đã yêu cầu Đinh Mạnh Thắng trả lại 19 tỷ đồng.

[Vụ án PVP Land: Luật sư tập trung phân tích luận cứ gỡ tội cho bị cáo]

Sau nhiều lần yêu cầu, Đinh Mạnh Thắng đã hoàn trả cho Thái Kiều Hương số tiền 5 tỷ đồng đã nhận. Đồng thời, Đinh Mạnh Thắng gọi điện thông báo với Trịnh Xuân Thanh vụ việc bị phát hiện, Hương yêu cầu trả lại tiền.

Trịnh Xuân Thanh đồng ý và bảo Thắng trực tiếp đến văn phòng làm việc của Trịnh Xuân Thanh tại PVC nhận lại số tiền 14 tỷ đồng và chuyển trả cho Thái Kiều Hương.

Ngày 29/6/2010, Lê Hòa Bình, đại diện Công ty cổ phần Minh Ngân, đã ký văn bản thỏa thuận với Công ty Vietsan về việc đưa số tiền 19 tỷ đồng mà Thái Kiều Hương nhận lại vào thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Công ty Vietsan. Do vậy, theo Viện Kiểm sát, cần phải thu hồi số tiền 19 tỷ đồng này do đây là tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt.

Trong quá trình điều tra, ngày 31/5/2011, PVP Land và Lê Hòa Bình có văn bản thỏa thuận hủy bỏ một phần Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN; theo đó PVP Land đã nhận lại quyền sở hữu 5.817.600 cổ phần tương ứng với số tiền gần 93 tỷ đồng (48% giá trị hợp đồng) mà Công ty Minh Ngân chưa thanh toán. Công ty Minh Ngân còn sở hữu 6.302.400 cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương tương ứng với số tiền 100 tỷ đồng đã thanh toán cho PVP Land. Số 5.817.600 cổ phần mà PVP Land nhận lại, hiện Công ty cổ phần Địa ốc dầu khí viễn thông (PVP Land trước đây) đang sở hữu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành trưng cầu giám định viên Bộ Tài chính để giám định về thiệt hại của PVP Land. Theo kết luận giám định ngày 15/8/2011 của Giám định viên Bộ Tài chính, với giá chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần theo hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN, so với giá chuyển nhượng trong Hợp đồng đặt cọc thì PVP Land đã bị thiệt hại hơn 87 tỷ đồng. Với việc PVP Land đã nhận lại quyền sở hữu 5.817.600 cổ phần thì đối với 6.302.400 cổ phần đã chuyển nhượng với giá theo hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN, so với giá chuyển nhượng trong Hợp đồng đặt cọc, PVP Land bị thiệt hại 45.240.770.016 đồng.

Trách nhiệm hoàn trả số tiền 19 tỷ đồng

Ngày 25/1, tại phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại PVP Land, đại diện Viện Kiểm sát đã luận tội đối với từng bị cáo, trong đó nêu rõ quan điểm về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án.

Cụ thể, trong số tiền 49 tỷ đồng đã bị các bị cáo chiếm đoạt, có số tiền hơn 24 tỷ đồng đã được xử lý tại Bản án số 134/2017/HSPT ngày 15/3/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và số tiền 19 tỷ đồng bị Trịnh Xuân Thanh cùng Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt (đã được Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng hoàn trả, chuyển lại cho Thái Kiều Hương) sau đó được chuyển thành tiền Lê Hòa Bình thanh toán tiền mua cổ phần cho Công ty Vietsan. Về số tiền 19 tỷ đồng này, trong bản luận tội, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Khoản 3, Điều 47 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cần phải thu hồi của Công ty Vietsan để sung công quỹ Nhà nước.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng tự bào chữa tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, trong phần tranh tụng công khai tại phiên tòa, bà Vương Cẩm Vân (là đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần đầu tư Vietsan) có ý kiến cho rằng sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 thì Hợp đồng số 05042010 ngày 5/4/2010 chuyển nhượng hơn 6 triệu cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư Vietsan đã bị hủy bỏ. Công ty cổ phần đầu tư Vietsan đã chuyển trả lại cho Công ty Minh Ngân 93 tỷ đồng, trong đó có số tiền 19 tỷ đồng nêu trên. Đại diện Công ty cổ phần đầu tư Vietsan đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại nội dung này.

Từ tình tiết mới phát sinh trong khi tiến hành tranh tụng công khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm cần xác minh, làm rõ nội dung của Công ty cổ phần đầu tư Vietsan đưa ra. Để đảm bảo việc xét xử khách quan, toàn diện, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để làm rõ nội dung nêu trên.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát đề nghị, Hội đồng xét xử đã hội ý và quyết định tạm ngừng phiên tòa bốn ngày để xác minh, làm rõ nội dung nêu trên. Sáng 2/2/2018, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục