Vụ án ở Cục Đăng kiểm: Viện Kiểm sát nhận định Đặng Việt Hà thẳng thắn nhận tội

Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ.”

Ngày 11/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam-Bộ Giao thông vận tải. Ông Hà bị điều tra về tội "Nhận hối lộ." (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 11/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam-Bộ Giao thông vận tải. Ông Hà bị điều tra về tội "Nhận hối lộ." (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 8/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm, chi cục đăng kiểm địa phương với phần đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư nhóm bị cáo là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) và nhóm bị cáo các công ty thiết kế.

Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (người tiền nhiệm của bị cáo Đặng Việt Hà) 18-19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tổng hợp hình phạt là từ 23-25 năm tù.

Luật sư bào chữa cho Trần Kỳ Hình cho rằng bị cáo không phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định truy tố của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Hình là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, trong thời gian đầu trước và khi mới khởi tố, cũng như Đặng Việt Hà, bị cáo Hình không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Tuy nhiên trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã nhận được rất nhiều đơn của giám đốc các trung tâm đăng kiểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác tố cáo hai bị cáo Hình, Hà đã nhận tiền hối lộ.

Sau đó, Hình mới dần thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tuy nhiên bị cáo lại khai báo nhỏ giọt, chỉ thừa nhận một phần cáo trạng.

Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, lời khai không phải là chứng cứ duy nhất để kết tội, nhưng khi nhiều người ở nhiều địa phương cùng khai nhận nội dung giống nhau về việc phải chung chi tiền cho bị cáo thì những lời khai đó lại trở thành chứng cứ.

Đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” bị cáo Hình cho rằng chỉ “vô tình nên ký sai.”

Về nội dung này, Viện Kiểm sát xác định lại một lần nữa rằng tất cả những nội dung sai phạm của các cơ sở đóng tàu, hoán cải đều được các bị cáo liên quan xác nhận; chính bị cáo Hình cũng thừa nhận có sai phạm.

Cơ quan điều tra cũng có căn cứ xác định rằng trong số các xưởng đóng tàu vi phạm, có sự việc chủ các xưởng phải chung chi một khoản tiền rất lớn mới được cấp năng lực cho xưởng hoạt động.

Viện Kiểm sát cũng cho rằng, với vai trò là người đứng đầu, việc bị cáo cho rằng bản thân không biết xảy ra sai phạm hay lập luận rằng việc cấp thông báo trái quy định chỉ là những sai sót nhỏ là đang cố tình chối bỏ trách nhiệm.

Ngoài ra, việc các chủ xưởng phải chung tiền cho đăng kiểm viên, các đăng kiểm viên cũng đã bị khởi tố về tội nhận hối lộ. Chính các đăng kiểm viên này khai phải đưa tiền cho lãnh đạo phòng nhưng do chưa đủ căn cứ chứng minh có sự việc đưa tiền nên các cơ quan tố tụng đã không xử lý các bị cáo về tội danh khác nặng hơn.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định: có 74 hồ sơ không đủ điều kiện cấp chứng nhận năng lực nhưng Trần Kỳ Hình và các bị cáo khác trong nhóm đường thủy, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Nhà nước giao cho để đề xuất, soát xét, ký cấp Thông báo năng lực cho các xưởng không đủ điều kiện.

Điều này không những gây nguy hiểm cho các phương tiện đường thủy mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cơ quan nhà nước.

Trong đó, riêng Hình phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc duyệt cấp Thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định, nên việc Viện Kiểm sát truy tố bị cáo là có căn cứ.

Việc Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát xác định số tiền quy kết và việc xác định trách nhiệm cụ thể đối với Hình không chỉ vì bị cáo thừa nhận hành vi mà còn do phù hợp với diễn biến hành vi tội phạm, phương thức tính tiền và chi tiền cho Hình và các bị cáo khác trong vụ án.

Việc Hình chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội cũng là một căn cứ để Viện Kiểm sát đề xuất mức án như trong phần luận tội. Mặc dù Viện Kiểm sát cũng cho Hình áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, nhưng mức độ để xem xét, giảm nhẹ không thể bằng những bị cáo khác.

Khác với Trần Kỳ Hình chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội, Viện Kiểm sát nhận định bị cáo Đặng Việt Hà cùng luật sư đã “vô cùng thẳng thắn đối mặt với sự thật, thẳng thắn thừa nhận hành vi phạm tội.”

Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Hà luôn ý thức được trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra những tiêu cực như vụ án này. Hà không đổ lỗi cho bất kỳ ai, chủ động khai nhận trách nhiệm và khai nhận về vi phạm.

Bị cáo cũng thừa nhận biết rõ hành vi tiêu cực xảy ra trong hệ thống đăng kiểm ngay khi chưa được bổ nhiệm là Cục trưởng; tức là giai đoạn bị cáo Trần Kỳ Hình làm Cục trưởng đã có hiện tượng tiêu cực, nhận tiền hối lộ trong ngành.

Về vai trò của các bị cáo là đăng kiểm viên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đã nhiều lần nêu, đánh giá và xác định các đăng kiểm viên đã trực tiếp nhận tiền từ công ty thiết kế và từ quy ước sẵn có.

Số tiền nhận được sau đó được đem chia cho lãnh đạo, nhân viên văn phòng, số còn lại các bị cáo hưởng. Luật sư cũng như bản thân nhiều bị cáo cho rằng, với công việc làm đăng kiểm viên, các bị cáo có vai trò mờ nhạt, không được quyền quyết định.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Anh Hiệp còn cho rằng bị cáo là nhân viên dưới quyền thực hiện chức trách, nhiệm vụ nên việc nhận tiền hối lộ là do chịu áp lực rất lớn từ cấp trên.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng, với vai trò là những đăng kiểm viên có trình độ, có nghiệp vụ và khả năng nhận thức, việc các bị cáo biện minh rằng bản thân nhận tiền từ các công ty thiết kế trên tất cả hồ sơ rồi chia nhau chiếm đoạt là thụ động, không có động cơ… cho thấy các bị cáo chưa thật sự thành khẩn, chưa ăn năn hối cải.

Đối với vai trò của các bị cáo đưa hối lộ thuộc nhóm Công ty thiết kế, Viện Kiểm sát thông tin, các bị cáo và luật sư đều thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng truy tố; chỉ xin xem xét lại mức án hoặc xin miễn trách nhiệm hình sự.

Viện Kiểm sát cho biết, Điều 364 Bộ Luật Hình sự quy định cụ thể đối với hành vi đưa hối lộ với mức án từ 12-20 năm khi đưa số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên. Với các bị cáo thuộc nhóm Công ty thiết kế, số tiền đưa hối lộ đặc biệt lớn, như bị cáo Lại Thái Phong nhận khoảng 11-12 tỷ đồng.

Trong khi đó, các bị cáo Lã Thu Chiền, Mai Văn Quân là người trực tiếp quản lý, đứng tên đại diện pháp lý các công ty để thực hiện việc đưa hối lộ nhưng Viện Kiểm sát vẫn hạ khung hình phạt và áp dụng mức gần đầu khung (8-9 năm) cho các bị cáo là đã hết sức nhân văn. Các bị cáo còn lại của nhóm này cũng đều được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để hạ khung hình phạt.

Trong phiên xử sáng 8/8, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm luận tội của 28 bị cáo thuộc nhóm cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cựu lãnh đạo và đăng kiểm viên Phòng VAR và nhóm các bị cáo liên quan đến Công ty thiết kế. Hội đồng Xét xử tiếp tục cho luật sư và các bị cáo tiếp theo bào chữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục