Vụ án lừa đảo tiền của gần 600 người: Phạm Thị Tuyết Nhung đổ lỗi cho bị hại

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử Phạm Thị Tuyết Nhung và 8 đồng phạm về tội chiếm đoạt tài sản của 600 người, đổi lỗi cho người bị hại.
Bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung, chủ mưu vụ án, tại phiên toà. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN).

Ngày 3/1, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (cựu Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đất Vàng Hoàng Gia gọi tắt là Công ty Đất Vàng Hoàng Gia) cùng 8 đồng phạm lừa đảo bán dự án ma, chiếm đoạt hơn 834 tỷ đồng của gần 600 người với phần thẩm vấn các bị cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong vụ án này, Phạm Thị Tuyết Nhung, Trần Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) và 7 đồng phạm bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ Luật Hình sự. Vụ án có liên quan đến 592 bị hại và 230 cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, Phạm Thị Tuyết Nhung cùng Trần Thị Mỹ Hiền (cựu Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, người thành lập Công ty Hoàng Kim Land) đã hợp tác tìm mua những thửa đất có diện tích lớn, mục đích sử dụng đất khác nhau (đất ở, đất trồng cây, đất trồng lúa, đất ao hồ...), rồi thỏa thuận mua bán, lập ký các hợp đồng đặt cọc, thanh toán một phần tiền cho chủ đất để làm tin.

Tuy nhiên, Nhung viện nhiều lý do để kéo dài thời hạn thanh toán, không hoàn tất việc nhận chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất.

Mặc dù chưa hoàn tất việc nhận chuyển nhượng, không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, tách thửa và không được cơ quan có thẩm quyền cấp duyệt dự án nhưng Trần Thị Mỹ Hiền vẫn thuê kiến trúc sư thiết kế các thửa đất thành dự án đất ở đô thị có tỷ lệ bản vẽ 1/500 hoàn chỉnh, đầy đủ cơ sở hạ tầng.

Những dự án “ma” này được các bị can đặt tên thành nhiều khu dân cư rồi tìm kiếm khách hàng thông qua cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản cho quảng cáo, chào bán.

Phạm Thị Tuyết Nhung biết rõ những khu đất công ty mình làm dự án là chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa sang tên, chưa chuyển đổi mục đích, nằm trong quy hoạch nhưng vẫn cố tình vẽ dự án, quảng cáo sai sự thật để bán cho nhiều người.

Khi tìm được khách hàng, Hiền, Nhung và các đồng phạm ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán với tư cách đại diện các công ty gồm Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia và Công ty Hoàng Kim Land để chiếm đoạt tiền.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung được xác định là chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt đối với toàn bộ hoạt động của Công ty Angel Lina và Công ty Đất Vàng Hoàng Gia (hợp tác với Trần Thị Mỹ Hiền), chỉ đạo cấp dưới lập các dự án không có thật, phân lô trái pháp luật, bán nền không có thật, từ đó chiếm đoạt tổng số tiền 539,9 tỷ đồng.

Trần Thị Mỹ Hiền cũng được xác định là chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt đối với toàn bộ hoạt động của Công ty Đất Vàng Hoàng Gia và Công ty Hoàng Kim Land, cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 285 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra đối với Hiền do bị can này mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi theo kết luận giám định của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương.

Hiện Hiền đang thực hiện chữa bệnh bắt buộc tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa. Khi Hiền điều trị bệnh xong, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định.

Tại phần thẩm vấn, Nhung cho rằng, cáo trạng truy tố mình là có căn cứ nhưng bị cáo phủ nhận vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án mà chỉ có vai trò như các bị cáo khác. Nhung nói bản thân không điều hành hoạt động tại các Công ty Angel Lina và Đất Vàng Hoàng Gia.

Mọi hoạt động ở những công ty này đều được thực hiện theo chỉ đạo của Hoàng Ngọc Tuấn và Trần Thị Mỹ Hiền. Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của Trần Thị Mỹ Hiền, không chiếm đoạt tiền của các bị hại trong vụ án.

Nhung khai do có mối quan hệ thân thiết nên bị cáo gọi Hiền là “mẹ” và xem như người trong gia đình, thường xuyên hỗ trợ nhau trong công việc kinh doanh.

Khi biết thông tin Hiền mắc bệnh tâm thần, Nhung đã giúp Hiền ký khống hàng loạt hợp đồng chuyển nhượng dự án nhưng do tin tưởng nên Nhung không kiểm tra lại các thủ tục, giấy tờ khi ký kết các hợp đồng này.

Số tiền thu được từ việc bán các dự án trên được Nhung dùng để trả cho môi giới, mua các dự án mới và chi phí khác phục vụ hoạt động của các công ty. Nhung còn có thái độ đổ lỗi ngược cho bị hại, nói họ biết rõ pháp lý của các dự án chưa đầy đủ nhưng vẫn ký hợp đồng góp vốn.

Nhung cho rằng các khách hàng tham gia mua dự án thực chất là muốn đầu cơ, không phải có nhu cầu ở thực tế. Bị cáo cũng khẳng định, các bị hại hoàn toàn tự nguyện và có ý thức khi tham gia vào các giao dịch này.

Trước những lời khai của bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lập luận, nếu thực tế Nhung không có ý định lừa đảo thì vì sao bị cáo lại thực hiện chuyển nhượng những bất động sản không phải của mình, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn lên đến hơn 800 tỷ đồng.

Bị cáo Lý Văn Sinh (cựu Trưởng bộ phận pháp lý Công ty Angel Lina) bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức. Bị cáo Sinh bị cáo buộc đã ký hợp đồng với một bị hại, giúp bị cáo Nhung chiếm đoạt 1,4 tỷ đồng.

Tại tòa, Sinh khai bản thân làm việc tại Công ty Angel Lina và nhận lương theo tháng, không hưởng lợi từ số tiền 1,4 tỷ đồng từ việc ký hợp đồng với khách hàng. Bị cáo Sinh nhận thức được sai lầm và đã khắc phục hậu quả vụ án 303 triệu đồng.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung cũng cho biết hợp đồng bị cáo Sinh ký là hợp đồng tái ký; bị cáo Sinh chỉ làm theo chỉ đạo và không hưởng lợi từ việc này.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 6/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục