Vụ án liên quan Công ty Phương Nam: Các bị cáo lĩnh 2-14 năm tù

Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tuyên án 27 bị cáo trong vụ án liên quan Công ty Cổ phần thủy sản Phương Nam, với các mức từ 2-14 năm tù giam.
Các bị cáo nghe luận tội tại phiên tòa. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Sau 10 ngày xét xử (từ 20-31/7), chiều 3/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tuyên án vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Công ty Cổ phần thủy sản Phương Nam (Công ty Phương Nam).

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ủy quyền cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sóc Trăng làm đại diện cơ quan công tố. Gần 30 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và các ngân hàng liên quan trong phiên xét xử sơ thẩm này. Đây là một trong 10 "đại án" được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý.

Trong số 27 bị cáo hầu tòa, bị cáo Lâm Minh Mẫn, nguyên Kế toán trưởng Công ty Phương Nam bị Tòa tuyên mức án cao nhất với thời gian là 14 năm tù và bị cáo Trịnh Thị Hồng Phượng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Phương Nam bị tuyên mức án 12 năm tù, cùng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, 2 bị cáo này còn bị tuyên phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả làm thất thoát trên 784 tỷ đồng do lừa đảo các ngân hàng, mỗi bị cáo chịu 50% số tiền trên.

25 bị cáo nguyên là cán bộ các ngân hàng thuộc 3 tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu bị tuyên các mức án từ 2 đến 7 năm tù, trong đó bị cáo Nguyễn Thế Thắng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Sóc Trăng (VDB Sóc Trăng) chịu mức án tù 7 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Xem, nguyên Phó Giám đốc VDB Sóc Trăng bị tuyên 6 năm tù, bị cáo Đỗ Hùng Sở, nguyên Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Hậu Giang chịu mức án 5 năm tù. Các bị cáo còn lại cùng bị tuyên với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bị phạt từ 2-5 năm tù.

Theo cáo trạng, Công ty Phương Nam được thành lập năm 1998, đến năm 2000 trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lâm Ngọc Khuân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc. Từ năm 2008 đến ngày 30/9/2012, Công ty Phương Nam vay nợ các tổ chức tín dụng với số tiền rất lớn, dư nợ từ năm trước chuyển sang năm sau ngày càng cao và kết quả kinh doanh hàng năm luôn bị thua lỗ.

Tuy nhiên, để công ty kéo dài hoạt động cũng như có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, từ năm 2008 đến năm 2010, ông Khuân chỉ đạo con gái là Lâm Ngọc Hân và kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn lập 19 bản báo cáo tài chính khống, thể hiện kết quả kinh doanh hàng năm đều có lãi để gửi các ngân hàng xin vay vốn và nộp Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các đối tượng còn lập báo cáo hàng hóa là tôm đông lạnh nhập, xuất, tồn… nâng khống số lượng hàng trị giá từ 123 tỷ đồng lên trên 747 tỷ đồng; sử dụng một số chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất photo thành nhiều bản, xác nhận sao y bản chính của công ty gửi các ngân hàng để giải ngân và thế chấp nhiều ngân hàng vay vốn, rồi chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng.

Khi vay được tiền, ông Khuân đã sử dụng vốn sai mục đích vào nhiều việc như trả nợ vay, kinh doanh bất động sản, hùn vốn mở công ty… chiếm đoạt trên 52 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, Lâm Minh Mẫn với vai trò là kế toán trưởng công ty đã giúp Lâm Ngọc Khuân lừa đảo chiếm đoạt tiền của các ngân hàng hơn 471 tỷ đồng; Trịnh Thị Hồng Phượng là Phó Giám đốc Công ty Phương Nam dù biết công ty kinh doanh thua lỗ từ năm 2010 và hàng hóa tồn kho thực tế đã thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng để vay vốn nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Khuân.

Phượng đã ký 2 báo cáo tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh gian dối có lãi và các khế ước nhận nợ để vay tiền tại các ngân hàng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam Sóc Trăng trên 565 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt trên 415 tỷ đồng và hơn 9 triệu USD; Vietcombank Sóc Trăng 434 tỷ đồng và 15 triệu USD, Sacombank Sóc Trăng 78 tỷ đồng và 1,7 triệu USD; An Bình Bank Bạc Liêu trên 86,7 tỷ đồng và 345 ngàn USD. Trịnh Thị Hồng Phượng đã giúp ông Khuân lừa đảo, chiếm đoạt trên 258 tỷ đồng.

Các bị cáo Nguyễn Thế Thắng, Nguyễn Văn Xem - nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Sóc Trăng mặc dù biết việc cán bộ tín dụng và tổ thẩm định tài sản thế chấp không kiểm tra thực tế tài sản thế chấp là hàng tồn kho luân chuyển, chỉ dựa vào báo cáo của Công ty Phương Nam để lập báo cáo thẩm định nhưng từ đầu năm 2008 đến tháng 4/2011, hai đối tượng này đã ký nhiều hợp đồng tín dụng xuất khẩu theo hạn định của Công ty Phương Nam, gây thiệt hại hơn 343 tỷ đồng cho VDB Việt Nam.

Bị cáo Đỗ Hùng Sở, nguyên Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Hội sở Hậu Giang đã ký các hợp đồng tín dụng và giải ngân các khế ước cho Công ty Phương Nam, gây thiệt hại tới gần 259 tỷ đồng.

Các bị cáo khác nguyên là các cán bộ tín dụng của các ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng, Sacombank chi nhánh Sóc Trăng, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình chi nhánh Bạc Liêu… đều đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Hơn hai năm trước, Lâm Ngọc Khuân đã bỏ trốn ra nước ngoài với vợ con khi dư nợ các ngân hàng trên 1.700 tỷ đồng, được trừ tài sản thế chấp và giá trị hàng tồn kho gần 41 tỷ, còn lại trên 1.679 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đang truy nã ông Khuân và con gái là Lâm Ngọc Hân và sẽ xét xử sau khi bắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục