Vụ án Hồ Duy Hải: Viện Kiểm sát đề nghị điều tra lại 6 vấn đề

Viện Kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ và đủ cần thiết để kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng vụ án Hồ Duy Hải.
Vụ án Hồ Duy Hải: Viện Kiểm sát đề nghị điều tra lại 6 vấn đề ảnh 1Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao dự phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 8/5, tiếp tục phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã trình bày quan điểm về vụ án; trong đó đề nghị tiến hành 6 nội dung khi điều tra lại.

Sáu vấn đề Viện Kiểm sát đề nghị điều tra lại

Đánh giá vụ án này, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục giữ nguyên quan điểm kháng nghị.

Về những căn cứ về sự cần thiết phải kháng nghị bản án sơ thẩm, phúc thẩm, Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết thứ nhất, đây là vụ án giết người, cướp tài sản nghiêm trọng mà dư luận, các cơ quan tư pháp, Quốc hội... rất quan tâm; tuy nhiên hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.

Thứ hai, vụ án có 2 nạn nhân bị giết, bị cáo bị tuyên phạt tử hình; trong khi quá trình điều tra tố tụng còn nhiều thiếu sót, sai lầm nên phải thận trọng, không làm oan sai, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.

Thứ ba, việc điều tra, tố tụng giải quyết vụ án có nhiều sai lầm, theo Viện Kiểm sát là sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến việc làm rõ vụ án, do đó phải điều tra lại, làm thêm một số việc.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị có 6 việc phải làm khi điều tra lại. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

Viện Kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ và đủ cần thiết để kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến đồng ý với Chủ tọa Hội đồng Thẩm phán Nguyễn Hòa Bình về việc cần xem xét tổng thể các tình tiết, chứng cứ, lời khai trong vụ án. Tuy nhiên, ông Tiến cũng bày tỏ băn khoăn về nhiều tình tiết, nội dung của vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, lời khai.

[Xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Không chấp nhận kháng nghị]

Phó Viện trưởng dẫn lại bản án phúc thẩm có đoạn: qua thẩm tra tại phiên tòa, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu điều tra, có căn cứ để xác định: "hành vi phạm tội vì động cơ cá cược bóng đá."

Theo ông Tiến, với những tình tiết khách quan của vụ án, đây là sự quy kết của bản án, hết sức thiếu thận trọng.

Bên cạnh đó, đối với 3 vật chứng quan trọng nhất của vụ án là con dao, cái thớt, cái ghế, Phó Viện trưởng rất băn khoăn về việc thu thập.

"Việc con dao được thu thập, theo mô tả, được rửa sạch, sạch đến mức như một con dao mới. Khi thực hiện hành vi tại hiện trường, con dao được rửa rất sạch sẽ, được cất giấu kỹ càng, nhưng cái thớt, cái ghế thì không cất giấu. Theo phân tích về mặt tâm lý tội phạm, tôi rất băn khoăn. Chi tiết này cần thận trọng," ông Tiến nêu.

Cũng phân tích về mặt tâm lý tội phạm, theo lời khai của Hải trong hồ sơ bản án, Hải chưa vào khu vực trong bưu điện trước đó, nhưng trong lời khai lại nhớ được và miêu tả rất tỉ mỉ, chi tiết căn phòng, đồ vật,... Bên cạnh đó, dấu vân tay trong khoa học hình sự hết sức quan trọng, nhưng khám nghiệm hiện trường lại có thiếu sót.

Luật sư Trần Hồng Phong được mời đến cung cấp chứng cứ

Tại phiên sáng 8/5, Luật sư Trần Hồng Phong (người yêu cầu cung cấp chứng cứ) được mời đến phiên giám đốc thẩm.

Luật sư Trần Hồng Phong đã cung cấp 2 chứng cứ là bản khai của bà Nguyễn Thị Rưởi (dì ruột của Hồ Duy Hải), trình bày việc vì sao sau bản án sơ thẩm, gia đình Hải viết đơn kháng cáo xin giảm án chứ không kêu oan.

Luật sư Phong cho biết trong đơn gửi đến phiên giám đốc thẩm, gia đình, bị án Hồ Duy Hải nhiều lần kêu oan, đề nghị xem xét lại vụ án này.

Thứ hai là chứng cứ lời khai liên quan chiếc xe gắn máy của bà Rưởi. Luật sư Phong cho biết bà Rưởi khai: "Sáng 14/1/2008, tôi có sử dụng chiếc xe này để đi chợ, không hề để lại nhà bà Len như trong cáo trạng ghi." Nên bà Rưởi cho rằng không có khả năng Hồ Duy Hải sử dụng chiếc xe của bà Rưởi.

Bên cạnh đó, luật sư Phong cho rằng cơ sở kết tội chủ yếu là lời khai của Hải nhận tội, nhân chứng Đinh Vũ Thường nhìn thấy và con dao tại bưu điện. Nhưng trong biên bản khám nghiệm hiện trường không có con dao.

Theo các kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm, xe của bà Rưởi có 3, 4 số không trùng với nhau. Nhân chứng Đinh Vũ Thường khi gặp Luật sư khẳng định không nhìn thấy biển số xe. Nhưng trong lời khai lại ghi là nhân chứng Thường nhìn thấy biển xe.

Bên cạnh đó, Luật sư cho rằng khám nghiệm hiện trường bỏ sót tầng 2 của bưu điện, trong khi một số nhân chứng nói với Luật sư rằng, tối đó thấy ánh điện trên tầng 2.

Sau đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho trình chiếu các tài liệu và hỏi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về sự cần thiết đánh giá chứng cứ này. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ án hay đơn kêu oan có ảnh hưởng đến nội dung xét xử phúc thẩm vụ án, do đó có căn cứ để xem xét. Còn lời khai của bà Rưởi về chiếc xe máy là một trong những tài liệu để kiểm chứng về tình tiết sử dụng xe máy của Hải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục