Ngày 18/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Các luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo đã đưa ra nhiều luận cứ nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình, trong đó có những tình tiết đáng chú ý.
Làm rõ hành vi “Cố ý làm trái” của các bị cáo
Mở đầu phiên xét xử buổi sáng, Luật sư Nguyễn Phương Nam trình bày phần bào chữa cho các bị cáo Tạ Hoàng Phương - nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Nha Trang, Bùi Đức Quỳnh - nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Đồng Nai, Hoàng Phương Nga - nguyên Giám đốc OceanBank Phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng năm 2012, Đỗ Quốc Trình - nguyên Giám đốc OceanBank Phòng Giao dịch Phú Mỹ Hưng giai đoạn 2013-2014.
Theo luật sư Nguyễn Phương Nam, những nhận định của Viện kiểm sát có phần phiến diện khi cho rằng các bị cáo đã tiếp nhận chủ trương từ Hội Sở, sau đó phân công, chỉ đạo nhân viên tại chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện chi lãi ngoài cho khách hàng, giúp sức cho hành vi làm trái trong việc chi lãi ngoài, gây thiệt hại cho OceanBank.
Việc không phân hóa cũng không phân tích xem họ có đồng phạm hay không, có hành vi phạm tội ra sao là trái với nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự khi xét xử.
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Phương Nam, việc chi lãi suất vượt trần đang bị cáo buộc thành hai nội dung, đó là làm trái quy định của Nhà nước về trần lãi suất huy động vốn và số tiền chi sai đã bị hạch toán không đúng.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Phương Nam cho rằng, hành vi chi lãi suất vượt trần là sai, song cần được xem xét dựa vào các yếu tố không phù hợp của Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam và các văn bản của Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ.
Bên cạnh đó, việc chi lãi suất vượt trần tại các ngân hàng khác đều có nhưng chỉ bị xử lý hành chính. Do đó cần xử lý, đối xử công bằng như các đơn vị khác trong ngành ngân hàng.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Chai - nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Bắc Giang, luật sư Nguyễn Hồng Quang cho rằng, bị cáo Nguyễn Văn Chai có nắm được chủ trương sau khi về làm Giám đốc chi nhánh song buộc phải thực hiện do chỉ là người làm công ăn lương.
Việc nhận tiền chi chăm sóc khách hàng được Trưởng, Phó phòng Kế toán nhận trực tiếp từ Hội Sở và không có sự bàn bạc, phân công cụ thể với bị cáo Nguyễn Văn Chai.
Bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Thủy - nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Bình Dương, luật sư Phạm Trung Hiếu cho rằng, trong vụ án này chưa thấy đề cập đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước và đơn vị kiểm toán độc lập.
Luật sư đề nghị mời công ty kiểm toán độc lập tham gia phiên tòa và giải trình quá trình kiểm toán tại OceanBank với tư cách là người làm chứng.
Theo lời trình bày của đại diện Ngân hàng Nhà nước, đã có hai đợt thanh tra toàn diện OceanBank. Tuy nhiên, những vi phạm chi lãi suất vượt trần của OceanBank đã không bị phát hiện.
Luật sư Phạm Trung Hiếu đặt câu hỏi: “Phải chăng thanh tra viên thiếu trách nhiệm hay trình độ của thanh tra viên hạn chế? Hay có phát hiện sai phạm nhưng cố tình bỏ qua?”
Về nội dung này, quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng: Các bị cáo nguyên là Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch OceanBank tại các địa phương này nhận thức rõ việc chi lãi ngoài là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Hà Văn Thắm và các bị cáo khác tại Hội Sở, gây thiệt hại lớn cho OceanBank.
[Phiên tòa xử Hà Văn Thắm: Có hay không vai trò đồng phạm cấp dưới?]
Có hay không việc Hứa Thị Phấn bị ép cho mượn tài sản?
Tại phiên xử buổi chiều 18/9, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn đã gây bất ngờ tại Tòa khi cung cấp tình tiết về việc nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank Hà Văn Thắm đã ép buộc bị cáo Hứa Thị Phấn cho Tập đoàn Thiên Thanh mượn tài sản để thế chấp, cầm cố tại OceanBank.
Bị cáo Hứa Thị Phấn bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và bị đề nghị mức án từ 17-18 năm tù.
Viện kiểm sát xác định Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh và Trần Văn Bình đã sử dụng các tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo cho khoản vay nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ vay số tiền 500 tỷ đồng để bị cáo Phạm Công Danh sử dụng số tiền vay vào việc thanh toán các khoản nợ của bị cáo Hứa Thị Phấn theo thỏa thuận mua lại Ngân hàng Đại Tín.
Bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo và Luật sư Trương Thị Minh Thơ đưa ra nhiều luận cứ liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank; đồng thời cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn không bàn bạc, không tự nguyện cho mượn tài sản; không cùng ý chí, không cùng thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cho vay đối với khoản vay 500 tỷ đồng trên.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cung cấp một số tình tiết liên quan và cho rằng Hà Văn Thắm đã ép buộc Hứa Thị Phấn để thâu tóm Ngân hàng Đại Tín. Sau đó, Hà Văn Thắm chuyển nhượng cho Phạm Công Danh.
Bị cáo Hứa Thị Phấn không hay biết việc Phạm Công Danh đã thâu tóm kiểm soát Ngân hàng Đại Tín bắt đầu từ tháng 9/2012. Sau này, khi biết việc Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Hứa Thị Phấn không đồng ý vì cho rằng Phạm Công Danh là người chưa có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng.
Lúc đó, Hà Văn Thắm mới nói với Hứa Thị Phấn là số cổ phần của Hứa Thị Phấn và các cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín đã được Hà Văn Thắm chuyển giao hết cho Phạm Công Danh và Phạm Công Danh đã thế chấp cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Các luật sư cho rằng bà Hứa Thị Phấn vốn đã già yếu và bệnh tật, lại thêm tinh thần bị khủng hoảng khi bị Hà Văn Thắm ép buộc phải chuyển nhượng và thấy cũng không còn cách nào khác khi toàn bộ cổ phần bản gốc đã bị Hà Văn Thắm đưa hết cho Phạm Công Danh đem thế chấp ngân hàng khác.
Hơn nữa, từ tháng 2/2012, ngay khi ký hợp đồng chuyển giao, Hà Văn Thắm đã đưa người của mình vào quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Đại Tín.
Do vậy, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, bà Hứa Thị Phấn và các cổ đông buộc lòng phải thực hiện ngoài ý muốn việc chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh theo yêu cầu của Hà Văn Thắm.
Khi Phạm Công Danh nắm Ngân hàng Đại Tín (sau này đổi thành VNCB) nhưng Hà Văn Thắm không hỗ trợ thanh khoản như lời hứa trước đó. Một thời gian sau, Hà Văn Thắm mới đồng ý hỗ trợ Phạm Công Danh số tiền 500 tỷ đồng để tăng thanh khoản cho ngân hàng bằng cách vay từ OceanBank.
Do Phạm Công Danh nói không có tài sản thế chấp, Hà Văn Thắm có nói Hứa Thị Phấn còn một số tài sản có thể mượn.
Luật sư đã trích bút lục trong hồ sơ nêu về việc: “Hà Văn Thắm nói với bà Hứa Thị Phấn là Phạm Công Danh vay của OceanBank 500 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo không đủ điều kiện pháp lý và giá trị. Lúc này, thông qua mối quan hệ với Công ty SSG, Hà Văn Thắm cũng biết rõ bà Hứa Thị Phấn còn một số tài sản của gia đình nên đã yêu cầu bà Hứa Thị Phấn cho Phạm Công Danh mượn tạm tài sản để vay 500 tỷ đồng của OceanBank. Trong thời gian này, Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh liên tục đe dọa bà Hứa Thị Phấn nếu không cho mượn để Phạm Công Danh vay thì việc tái cơ cấu không thành, lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín sẽ bị truy tố. Do vậy, bà Hứa Thị Phấn đã cho Phạm Công Danh mượn tài sản để thế chấp cho khoản vay 500 tỷ đồng của Phạm Công Danh tại OceanBank.”
Do đó, ngày 23/11/2012, bà Hứa Thị Phấn đã ký hợp đồng cho mượn tài sản với Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh đại diện. Sau đó, Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng các tài sản do bà Hứa Thị Phấn cho mượn để làm thủ tục vay vốn tại OceanBank.
Ngày 19/9, phiên tòa tiếp tục tranh luận./.