Vụ án Châu Thị Thu Nga: Chuyển hồ sơ lên Tòa án Nhân dân cấp cao

Chiều 27/11, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ án Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lên Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Vụ án Châu Thị Thu Nga: Chuyển hồ sơ lên Tòa án Nhân dân cấp cao ảnh 1Bị cáo Châu Thị Thu Nga nghe tuyên án, ngày 16/10/2017. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 27/11, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ án Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lên Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội để nghiên cứu, đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Trước đó, trong các ngày từ 2-16/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Sau khi án sơ thẩm tuyên, đã có tổng số 220 đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại vụ án. Đây là phiên tòa có số lượng đơn kháng cáo nhiều nhất từ trước đến nay tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong số này, toàn bộ 10 bị cáo trong vụ án đã làm đơn kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm. Các bị cáo cho rằng mức án đã tuyên là quá nặng, mong muốn được giảm nhẹ hình phạt, một số bị cáo đề nghị được hưởng án treo. Riêng bị cáo Châu Thị Thu Nga (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Housing Group) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đồng thời cho rằng mức hình phạt tù chung thân đã tuyên phạt đối với bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là quá nặng và không đúng tội danh.

Ngoài các bị cáo, trong vụ án còn có 193 bị hại, 16 công ty liên quan, 1 bị đơn (là Công ty Housing Group) cũng làm đơn kháng cáo. Toàn bộ đơn kháng cáo của 193 bị hại này đều chung nội dung đề nghị được nhận nhà chứ không nhận lại tiền đã đóng tại Dự án B5 Cầu Diễn. 16 công ty liên quan (như: Công ty cổ phần Licogi 12, Công ty Đồng Nhân, Công ty cổ phần liên danh tư vấn và xây dựng Cofec, Công ty Đông Nam, Công ty cổ phần phát triển Quốc gia Việt Nam…) kháng cáo đề nghị hủy phần bản án sơ thẩm buộc họ phải nộp trả lại số tiền đã nhận để đảm bảo thi hành án về nghĩa vụ bồi thường của Công ty Housing Group. Trong đơn kháng cáo, 16 công ty này cho rằng họ không có trách nhiệm phải trả số tiền mà Công ty Housing Group đã thanh toán cho họ.

Riêng bị đơn là Công ty Housing Group kháng cáo đề nghị xem xét lại phần bồi thường dân sự, đồng thời kiến nghị Tòa cấp phúc thẩm cho phép Công ty Housing Group được tiếp tục làm chủ đầu tư của dự án để khắc phục hậu quả cho các bị hại.

Bên cạnh đơn kháng cáo của 193 bị hại, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội còn nhận được đơn của hơn 100 khách hàng khác cũng đã nộp tiền vào Dự án B5 Cầu Diễn. Đơn của hơn 100 khách hàng này đều ghi là đơn kháng cáo, đề nghị được nhận nhà đã đóng tiền tại Dự án B5 Cầu Diễn. Song, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội không xem xét đơn của những khách hàng này theo diện đơn kháng cáo, do họ chưa được xác định là bị hại, họ chưa có đơn tố cáo cũng như chưa có lời khai tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Bộ Công an dù trước đó C46 đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tìm người bị hại liên quan đến vụ án này. Tuy vậy, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn tập hợp đơn của hơn 100 khách hàng này để chuyển lên Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét theo thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục