Vụ AIC: Bị cáo chịu áp lực trong quá trình AIC dự thầu, thông thầu

Tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ AIC, luật sư bào chữa và các bị cáo đã phân tích nhiều nội dung xung quanh áp lực chỉ đạo trong quá trình Công ty AIC dự thầu và thông thầu.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc AIC tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 27/12, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ.

Luật sư bào chữa và các bị cáo đã phân tích nhiều nội dung xung quanh áp lực chỉ đạo trong quá trình Công ty AIC dự thầu và thông thầu.

Bào chữa cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai), luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng bị cáo Vũ đã thành khẩn khai báo ngay từ khi vụ án mới được xác minh, chưa tiến hành khởi tố.

Theo luật sư, việc đưa hối lộ 14,8 tỷ đồng, chỉ có bị cáo Vũ và bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) biết. Song hiện bị cáo Hà đang bỏ trốn, không có lời khai, còn bị cáo Vũ luôn khẳng định không thỏa thuận với AIC làm trái quy định để được nhận lợi ích từ AIC.

Luật sư Thiệp đã trích dẫn nhiều lời khai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành để chứng minh bị cáo Vũ chịu nhiều áp lực khi thực hiện dự án.

Lời khai thể hiện, bị cáo Thành nhiều lần gọi cho Vũ "dặn dò phải tiếp bà Nhàn và tạo điều kiện cho AIC" được tham gia đấu thầu.

Bị cáo Vũ sau đó tiếp nhận ý kiến của bị cáo Thành để thực hiện và "hiểu rằng AIC là chỗ quen biết của người đứng đầu Tỉnh ủy Đồng Nai."

[Xét xử vụ AIC: Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù]

Khai tại tòa, bị cáo Vũ cho biết bị cáo nhiều lần bị bị cáo Thành nhắc nhở trong quá trình AIC tham gia đấu thầu. Có lần, bị cáo Vũ nói với bị cáo Nhàn là nhiều công ty hiện nay quảng cáo là thiết bị nhập khẩu nhưng lõi lại xuất xứ Trung Quốc. Bởi thế Công ty AIC tham gia được gói nào thì tham gia, tuyệt đối không được bán thầu. Sự việc này sau đó Vũ đã bị nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nhắc nhở.

Vì vậy, luật sư bào chữa cho rằng khi ấy với vai trò là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Vũ phải chịu nhiều sự chỉ đạo, áp lực rất lớn từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Theo luật sư, cấp dưới của bị cáo Vũ cũng khai: "bác sỹ Vũ nhiều lần chỉ đạo tuyệt đối không được đòi hỏi hay gây khó khăn gì cho AIC vì đây là Công ty thân thiết với lãnh đạo tỉnh."

Luật sư cho rằng số tiền 14,8 tỷ đồng bị cáo Vũ nhận từ AIC là tiền “cảm ơn,” Vũ nhận sau khi bệnh viện hoàn thành và đưa vào sử dụng được 4 tháng. Từ đó, luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo Vũ không phạm tội “Nhận hối lộ” vì không cấu thành tội này, tuyên tịch thu 14,8 tỷ đồng là số tiền thu lợi bất chính để xung công quỹ.

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Cùng bào chữa cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ trong phiên xử sáng 27/12, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết bị cáo Vũ là lãnh đạo tận tụy, đã từng bị ngất xỉu tại công trình do kiệt sức.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai đến nay có cơ sở vật chất hiện đại, đứng hàng đầu trong nhiều tỉnh trên cả nước, có chi phí đầu tư 2.000 tỷ đồng nhưng doanh thu trung bình từ năm 2015 đến năm 2021 là gần 1.000 tỷ đồng.

Từ khi Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai hoàn thành, đã có rất nhiều bệnh viện trên cả nước đến tham quan học tập. Hơn nữa, bị cáo Vũ còn có đóng góp tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh, được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen... Do vậy, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ khi lượng hình.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt mức án từ 10-11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng,” từ 9-10 năm tù về tội “Nhận hối lộ.” Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Vũ là từ 19-21 năm tù.

Luật sư bào chữa cho Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc AIC) cho rằng việc Nga ký các hồ sơ kỹ thuật tham gia gói thầu, điều chỉnh thời hạn thực hiện hợp đồng là do chỉ đạo và ủy quyền của Tổng Giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Khi làm những việc này, bị cáo Nga không cố tình làm sai, không biết đến những điều chỉnh Hợp đồng sau này bị cáo Nhàn và bị cáo Vũ ký. Bị cáo Nga bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt từ 8-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.”

Trước đó, luật sư Trịnh Văn Tuyến (bào chữa cho bị cáo Lê Chí Tuân - Trưởng nhóm hồ sơ dự thầu thuộc Công ty AIC) cũng cho rằng bị cáo Tuân và nhóm của mình đã phải chịu rất nhiều áp lực trong quá trình AIC dự thầu và thông thầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Thậm chí, bị cáo Tuân từng bị nhắc nhở, cảnh báo rằng nếu để trượt thầu có thể bị đuổi việc.

Luật sư Tuyến phân tích trong vụ án này, sau khi bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga thông báo về việc phân các doanh nghiệp dự thầu thành "quân xanh" và "quân đỏ," bị cáo Tuân được giao nhiệm vụ truyền đạt, phân công cho những người trong nhóm hồ sơ dự thầu liên hệ với các công ty được sắp xếp dự thầu từ trước. Mục đích của việc này là để lấy giấy giới thiệu gửi vào miền Nam cho nhân viên mua hồ sơ dự thầu.

Sau đó, bị cáo Tuân và những người trong nhóm sao chụp hồ sơ dự thầu hoàn chỉnh thành nhiều bản, rồi đóng gói và niêm phong tạm thời để gửi Văn phòng miền Nam của Công ty AIC.

Viện Kiểm sát xác định bị cáo Tuân đã giúp sức cho AIC trúng 13 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 128 tỷ đồng và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tuân mức án từ 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục