Liên quan đến vụ bắt giữ 19 tấn thực phẩm đông lạnh ở Bình Dương, chiều 7/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết đang củng cố hồ sơ xử phạt hành chính chủ các lô hàng.
Tuy nhiên, hiện lô hàng 12 tấn chân gà hết hạn sử dụng chưa thể tiêu hủy là do vướng Nghị định 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan chức năng đang thụ lý hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính mỗi hành vi vi phạm đối với chủ các lô hàng.
Còn việc xử lý tiêu hủy cả 19 tấn thực phẩm đông lạnh, trong đó có 12 tấn chân gà hết hạn sử dụng đang bị vướng mắc.
Cụ thể, qua kiểm kho lạnh tại thành phố Thuận An, cơ quan chức năng phát hiện trong kho chứa hơn 19 tấn thực phẩm đông lạnh. Trong đó 3 lô hàng gồm một lô 12 tấn chân gà có nguồn gốc xuất xứ nhưng đã hết hạn sử dụng; hai lô hàng khác gồm 5 tấn chân giò heo không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu và hơn 1 tấn gồm nhiều loại, trứng non, bao tử heo, vú heo, thịt đà điểu, heo nái, nai, ức vịt... không nguồn gốc xuất xứ.
[Phát hiện hơn 19 tấn thịt đông lạnh quá hạn sử dụng tại Bình Dương]
Đối với hai lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xử phạt hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Toàn bộ số thực phẩm sẽ được xử lý tiêu hủy, chủ các lô hàng được yêu cầu khắc phục hậu quả.
Ông Trần Văn Tùng cho biết, riêng lô hàng gần 12 tấn chân gà, có nguồn gốc xuất xứ nhưng hết hạn sử dụng, ngành chức năng chỉ lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Nghị định 119/2017/NĐ-CP; không thể buộc xử lý tiêu hủy.
Hiện lô chân gà hết hạn sử dụng đã được trả lại cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết không bán ra thị trường.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương Trần Văn Tùng cho biết thêm đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền nên xem xét sửa đổi Nghị định 119/2017/NĐ-CP với một số hành vi liên quan đến xử phạt xăng dầu và hàng hóa quá hạn sử dụng; trong đó có mặt hàng thực phẩm như thịt động vật để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, tới nay Nghị định này vẫn chưa được sửa đổi.
Theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP, trường hợp vi phạm chất lượng đo lường hàng hóa này không có hình thức xử phạt bổ sung buộc tiêu hủy. Nếu buộc tiêu hủy là sai quy định. Đây là nghị định chung, không nói rõ trong lĩnh vực nào.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực thực phẩm và xăng dầu thì bất hợp lý vì không có biện pháp khắc phục hậu quả, tức là người vi phạm vẫn được quyền chủ sở hữu. Mà hàng quá hạn sử dụng thì không thể đảm bảo chất lượng như mới lưu thông trên thị trường, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 4/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương chủ trì phối hợp cùng Chi cục Thú y, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Thuận An khám xét kho hàng cho thuê (không biển hiệu), thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư kho vận Miền Nam (phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Qua kiểm tra đã phát hiện 5 kho lạnh của 3 chủ khác nhau chứa tổng cộng hơn 19 tấn động vật đông lạnh hết hạn sử dụng, nhiều thùng hàng ôi thiu, bốc mùi chuẩn bị tuồn ra thị trường. Vụ việc được dư luận quan tâm những ngày vừa qua./.