Ngày 29/6, Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) công bố kết quả thăm dò ý kiến cho thấy đại đa số người dân nước này ủng hộ các đề xuất cải cách hiến pháp.
Khoảng 76% số người được hỏi khẳng định ủng hộ gói sửa đổi hiến pháp, bao gồm từ tăng lương hưu và lương tối thiểu đến điều chỉnh giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Tham gia cuộc thăm dò có hơn 163.000 cử tri tại 25 khu vực trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga.
Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp của nước Nga trong Thông điệp Liên bang ngày 15/1. Ông đã đưa ra gói các sửa đổi xã hội gồm bảo đảm tiền lương tối thiểu không thấp hơn mức đủ sống, xác định mức lương hưu và phúc lợi xã hội đồng thời hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con nhỏ.
[Người dân Nga bắt đầu đi bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp]
Giữa tháng Ba vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật sửa đổi hiến pháp. Các sửa đổi này đã được hai viện Quốc hội Nga - Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể Liên bang Nga thông qua.
Do các yêu cầu mới, các sửa đổi này sẽ áp dụng với tổng thống, các thành viên của chính phủ và các quan chức chính phủ ở nhiều cấp độ, củng cố an sinh xã hội đối với công dân, trao thêm quyền lực cho quốc hội, thiết lập vị thế của tiếng Nga. Các sửa đổi này cũng cho phép tổng thống đương nhiệm ra tranh cử lại vào năm 2024.
Luật sửa đổi Hiến pháp cũng đã được Tòa án Hiến pháp Nga thông qua.
Sau khi cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) trong vòng năm ngày sẽ xác định kết quả bỏ phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu sau ba ngày. Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, các sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.
Cuộc bỏ phiếu ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 22/4, song đã phải lùi lại do đại dịch COVID-19. Ngày bỏ phiếu được ấn định lại là 1/7.
Chủ tịch CEC - bà Ella Pamfilova, đã đảm bảo rằng việc đến điểm bỏ phiếu sẽ an toàn hơn so với việc đến cửa hàng, nhờ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19./.