VQG Hoàng Liên Sơn - trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam

Vườn Quốc gia Hoàng Liên là khu du lịch sinh thái với nhiều thắng cảnh nổi tiếng: Thác Bạc, Thác Vàng, Thác Tiên, Cầu Mây, bãi đá cổ… ẩn chứa nhiều huyền thoại.
VQG Hoàng Liên Sơn - trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam ảnh 1Khám phá đỉnh Fansipan bằng cách leo bộ qua những khu rừng già và những ngọn núi hùng vĩ. (Ảnh: Bá Ngọc/Báo ảnh Việt Nam)

Tại Hội nghị các Vườn Di sản ASEAN tổ chức tại Thái Lan tháng 12/2004, 4 vườn quốc gia của Việt Nam gồm: Hoàng Liên ở tỉnh Lào Cai, Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, Chư Mom Ray của tỉnh Kon Tum và Kon Ka Kinh thuộc tỉnh Gia Lai được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

VietnamPlus giới thiệu về 1 trong 4 vườn quốc gia đã đạt được danh hiệu có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, văn hóa và giáo dục của Việt Nam. Đó là Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên được thành lập ngày 12/7/2002 theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Vườn bao gồm đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương, trên dãy Hoàng Liên Sơn, ở độ cao từ 1.000-3.143m so với mặt biển và trải rộng trên địa bàn 6 xã: San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và Mường Khoa, Thân Thuộc, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Đây là phần kéo dài của dãy núi Ailao Shan từ Trung Quốc, phía Đông của dãy Himalaya, đã hình thành hai tiểu vùng khí hậu ôn đới và Á nhiệt đới. Vì thế nhiều nhà nghiên cứu sinh học trên thế giới đã coi Vườn Quốc gia Hoàng Liên là một trong những trung tâm sinh học đa dạng nhất Việt Nam.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên có diện tích 29.845ha được chia làm các phân khu: Phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt (11.800ha); Phân khu phục hồi sinh thái (17.900ha); Phân khu hành chính, du lịch, dịch vụ (70ha).

Ngoài ra, Vườn còn có vùng đệm với diện tích 38.724ha tiếp giáp và bao quát một phần diện tích của các xã lân cận thuộc huyện Văn Bàn thuộc tỉnh Lào Cai; Than Uyên, Phong Thổ ở tỉnh Lai Châu.

Vườn quốc gia Hoàng Liên phía Đông giáp huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp các xã Hố Mít, Pắc Ta, Nậm Cần, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; phía Bắc giáp các xã Tả Giàng Phìn, Tả Phìn, Bản Khoang, Trung Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Do Vườn nằm ở vùng núi cao nhất Việt Nam nên địa hình chia cắt mạnh, theo cả chiều ngang và chiều dọc, sườn núi dốc, có nhiều nơi dốc đứng.

[Hoàng Liên Sơn - Điểm đến hấp dẫn của thế giới năm 2019]

Trải qua hàng triệu năm kiến tạo, địa chất ở đây gồm các đá trầm tích biến chất và sự xâm nhập của đá granite chạy dọc thung lũng Mường Khoa ở phía Tây Nam, phía Đông Bắc có nhiều đá cẩm thạch và đá vôi, trên mặt còn lưu giữ nhiều nét chạm khắc của những người cổ xưa đầy bí ẩn mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã hết được những hình vẽ cũng như các chữ viết trên đó.

Khí hậu ở đây mang đậm nét khí hậu ôn đới núi cao, nhiệt độ không khí trung bình hàng năm 15,3 độ C, về mùa Đông xuất hiện mưa tuyết và băng giá trên các đỉnh núi cao.

Hệ động thực vật ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên rất đa dạng, phong phú và độc đáo nhất Việt Nam, trong đó có nhiều loài chỉ còn tìm thấy ở Hoàng Liên mà không có ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam.

Các nhà khoa học chia Vườn Quốc gia Hoàng Liên thành 3 loại rừng: Rừng xanh trên vùng bán sơn địa, Rừng lá rụng trên núi nhiệt đới và Rừng xanh thấp lùn trên cao.

Theo sự phân loại này, Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm ở ngã ba của ba quần xã sinh vật, có sự hòa trộn phức tạp của hệ thực vật khu vực núi cao vùng Đông Nam Á, không giống bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Tại đây, thống kê được 2.024 loài thực vật thuộc 171 chi nằm trong 200 họ, chiếm 25% các loài thực vật đặc hữu của Việt Nam; 66 loài thú; 61 loài bò sát; 553 loài côn trùng; 347 loài chim.

Có thể nói, Vườn Quốc gia Hoàng Liên là kho tàng gene quý hiếm và là Trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, trong số 701 loài đặc hữu của Bắc bộ thì có 22 loài tìm thấy ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Đặc biệt có 9 họ và 1 chi chỉ tìm thấy ở Hoàng Liên. Nhiều loài động thực vật ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên thuộc loài đặc biệt quý hiếm đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.

Thực vật có: Bách Xanh, Thiết xam, Thông tre, Thông đỏ, Đinh tùng Vân Nam, Dẻ tùng. Chim có: đại bàng đốm to, dẽ giun, hét nhỏ, hét mào đỏ, khướu lửa, trĩ mào đỏ, diệc cổ hung. Thú có: vượn đen, gấu đen châu Á, khỉ mặt đỏ.

VQG Hoàng Liên Sơn - trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam ảnh 2Ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa vào mùa nước đổ. (Ảnh: Trang Linh/Báo ảnh Việt Nam)

Từ cuối năm 2003, các nhà nghiên cứu triển khai đề tài khoa học “Điều tra đánh giá hệ thực vật kết hợp khảo sát hệ thú ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên” và thu được kết quả hết sức phong phú.

Hơn 3.000 mẫu thực vật trong tổng số dự kiến 15.000 mẫu của hơn 1.000 loài, trong đó phát hiện được nhiều loài quý hiếm như Hoàng liên chân chim, đỗ quyên, kim giao…

Đặc biệt, tại khu vực Dền Thàng trên độ cao 2.000m đã phát hiện một rừng pơmu thuần chủng mọc thành từng đám với tổng diện tích khoảng 100ha, nhiều cây có đường kính trên 1m.

Trên tuyến điều tra Sa Sả Hồ-Fansipan ở độ cao 2.500-2.800m, các nhà khoa học phát hiện rừng đỗ quyên với nhiều loài khác nhau: quyên gai, quyên răng lá nhỏ, quyên silie, quyên ly, quyên huyền diệu, quyên lưu huỳnh... với khoảng 20 loài trên tổng số 27 loài có mặt tại Việt Nam.

Đặc biệt các nhà khoa học tìm thấy cổ linh chi nặng 5,7kg - là cổ linh chi lớn nhất từ trước tới nay tìm thấy trong khu vực Hoàng Liên.

Về động vật, hơn 50 mẫu đã được ghi nhận tại vườn: Sóc bay trâu, sóc bay sao, sóc bụng đỏ, sóc khỉ, sóc chồn, sóc bay lớn, mèo rừng, sơn dương, vượn đen, gà lôi tía, gà lôi trắng, công, gấu ngựa, gấu chó, sói đỏ… đặc biệt có ếch gai là loài lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn là khu du lịch sinh thái với nhiều thắng cảnh nổi tiếng: Thác Bạc, Thác Vàng, Thác Tiên, Cầu Mây, bãi đá cổ… ẩn chứa nhiều huyền thoại.

Việc Vườn Quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN giúp tỉnh Lào Cai có những quy hoạch và đầu tư đúng hướng để Hoàng Liên trở thành một Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

Cuối năm 2018, tạp chí National Geographic của Mỹ đã công bố Top 28 Điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019.

Hoàng Liên Sơn, đoạn tận cùng phía Đông Nam của dãy núi Himalaya nằm ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam được tạp chí National Geographic xếp thứ bảy trong bảng xếp hạng này, đồng thời được bình chọn là điểm đến thú vị nhất khu vực Đông Nam Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục