Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm quý 1 vừa qua.
Đáng chú ý, tuy Top 5 dẫn đầu không có sự thay đổi, song vị trí dẫn đầu lâu nay của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đã nhường ngôi cho Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS.
Cụ thể, kết thúc quý 1 vừa qua, thị phần môi giới của Công ty cổ phần Chứng khoán VPS chiếm 13,24% trên sàn HOSE. Đây bước nhảy đáng kể của công ty chứng khoán này khi năm 2020, VPS chỉ đứng thứ 3 với thị phần 8,22% và quý 4/2020 là 10,84%.
Chứng khoán SSI lùi lại ở vị trí thứ 2 với thị phần 11,89%. Dù mất vị trí dẫn đầu, song thị phần nắm giữ của SSI vẫn tăng nhẹ từ 11,65% trong quý 4/2020.
Ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) vẫn trụ vững với tỷ lệ 8,23%. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect đứng thứ 4 với 7,46% và Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt đứng thứ 5 với thị phần 5,62%.
[Thị trường chứng khoán sáng 5/4: VN-Index tiếp tục lập đỉnh mới]
Các công ty chứng khoán tiếp theo nằm trong bảng xếp hạng lần này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Thị phần môi giới của các công ty này không có sự chênh lệch đáng kể, với tỷ lệ nắm giữ từ 3-4,5%. Tuy vậy, bảng xếp hạng lần này đã “gọi tên” Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương, thay vì Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam như ở quý 4/2020.
Việc SSI bị soán ngôi vương sau nhiều năm trên HOSE cho thấy đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty chứng khoán, bao gồm cả các công ty chứng khoán nội và ngoại trên thị trường chứng khoán.
Đánh giá về sự cạnh tranh này, ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định cạnh tranh là rất cần thiết để thúc đẩy thị trường chung phát triển. Thị phần môi giới là một tiêu chí đánh giá quan trọng đối với mỗi công ty chứng khoán nhưng chắc chắn không phải mục tiêu hoạt động duy nhất. Mỗi công ty đều có những mục tiêu riêng để theo đuổi và hành động theo những mục tiêu đó.
“Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi gắn liền với sứ mệnh 'kết nối vốn và cơ hội đầu tư.' Chúng tôi quan tâm làm sao để xây dựng và bảo vệ thị trường chứng khoán, giữ an toàn và hiệu quả cho nhà đầu tư lâu dài. Với đặc thù của ngành tài chính, khủng hoảng từ một thành viên của thị trường sẽ dễ dàng ảnh hưởng sang các thành viên khác và ảnh hưởng tới toàn hệ thống nói chung, do đó tăng trưởng bền vững luôn là lựa chọn của SSI để tồn tại,” ông Nguyễn Hồng Nam cho biết./.