VPI dự báo giá xăng tiếp tục giảm trong kỳ điều hành ngày 12/12

VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể giảm 220 đồng (1,1%) về mức 19.640 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể giảm 180 đồng (0,9%) về mức 20.380 đồng/lít.

Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 12/12 tới, giá xăng tiếp tục giảm 0,9-1,1%, trong khi giá dầu giảm 1,6-3,3% nếu Liên bộ Tài chính-Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể giảm 220 đồng (1,1%) về mức 19.640 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể giảm 180 đồng (0,9%) về mức 20.380 đồng/lít.

Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này cũng giảm 1,6 - 3,3%; trong đó dầu mazut có thể giảm mạnh 3,6% về mức 15.590 đồng/kg, tiếp theo là dầu hỏa dự báo giảm 2,1% về mức 18.408 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm 1,6% về mức 18.083 đồng/lít.

VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên thị trường thế giới, trong phiên ngày 10/12 tại châu Á, cả dầu Brent kỳ hạn và dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cùng giảm 0,4%, xuống lần lượt 71,88 USD/thùng và 68,07 USD/thùng.

Giá dầu giảm khi lo ngại về tác động từ diễn biến liên quan tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giảm bớt.

Tuy vậy, thị trường nhận được sự hỗ trợ từ cam kết của Trung Quốc trong việc tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế mà nhờ đó thúc đẩy nhu cầu của nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này.

Nhà chiến lược về thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG cho rằng căng thẳng tại Trung Đông có thể đã được kiểm soát, với rủi ro thấp trong việc gây gián đoạn đáng kể nguồn cung dầu.

Mặc dù Syria không phải là nước sản xuất dầu lớn nhưng có vị trí chiến lược và có mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Iran, và biến động chính trị có thể làm gia tăng bất ổn trong khu vực.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu được hạn chế nhờ những nhận định tích cực về nền kinh tế Trung Quốc, khi nước này cam kết sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" vào năm tới, sau 14 năm duy trì lập trường thận trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Động thái này đang dấy lên hy vọng nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục