Việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn không chỉ giúp gia tăng lợi ích cho khách hàng mà còn hứa hẹn là cú hích thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
“Sóng” tăng lãi suất không kỳ hạn
Tháng 11 vừa qua, VPBank công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức kịch trần là 1%/năm.
Cụ thể, khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng trên tài khoản thanh toán sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm; số dư tiền gửi bình quân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm. Khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn “kịch trần” với mức 1%/năm.
[IFC cấp cho VPBank 150 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ]
Động thái tăng lãi suất không kỳ hạn được thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng các loại lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Theo đó, riêng đối với tiền gửi không kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất tối đa từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm, áp dụng từ 25/10/2022.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng tăng lãi suất không kỳ hạn cũng là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh sắp tết Nguyên đán, khi người dân có nhu cầu chi tiêu nhiều.
“Cuối năm cũ, đầu năm mới là thời điểm nhu cầu chi tiêu của người dân tăng mạnh. Khi đó, họ sẽ có xu hướng giữ tiền mặt hoặc để tiền trong tài khoản thanh toán để chi tiêu. Bởi vậy, việc các ngân hàng tăng lãi suất không kỳ hạn cũng giúp gia tăng lợi ích cho khách hàng, thu hút khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng nhiều hơn,” một chuyên gia ngân hàng phân tích.
Cú hích thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Cũng theo góc nhìn của các chuyên gia, ở tầm nhìn vĩ mô về lâu dài, bên cạnh việc gia tăng lợi ích cho khách hàng, việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn còn hứa hẹn là cú hích thúc đẩy thanh toán không tiền mặt - một mục tiêu quan trọng được Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đặt ra.
“Lãi suất không kỳ hạn tăng sẽ khuyến khích khách hàng để tiền trên tài khoản thanh toán nhằm sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng số. Khi đó, các ngân hàng sẽ vừa duy trì được tỷ lệ tiền trong tài khoản thanh toán ở mức cao, vừa thúc đẩy xã hội thanh toán không tiền mặt,” một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chia sẻ.
Tuy vậy theo công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, tiền gửi không kỳ hạn cũng phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh của ngân hàng giao dịch thay vì yếu tố lãi suất. Nếu ngân hàng cung cấp, kết nối được nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giao dịch thuận tiện, khách hàng sẽ duy trì số dư lớn trên tài khoản thanh toán để giao dịch thường xuyên.
Điều này giúp gia tăng số dư bình quân trên tài khoản thanh toán của khách hàng. Do đó, những ngân hàng lớn, uy tín, có hệ sinh thái thanh toán rộng vẫn sẽ chiếm ưu thế lớn trong cuộc đua hút mở tài khoản thanh toán.
Như vậy, xét trong hệ thống ngân hàng hiện nay, VPBank có thể coi là một trong số ít ngân hàng hấp dẫn khách hàng khi vừa có lãi suất cạnh tranh, luôn thuộc tốp đầu thị trường, lại vừa có hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ đa dạng và ứng dụng công nghệ hiện đại, tiện lợi.
Điển hình như khi khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng số VPBank NEO sẽ không chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn lên tới kịch trần 1%/năm tùy theo số dư tiền gửi hàng tháng, mà còn được tận hưởng hàng loạt ưu đãi vượt trội khác như: Miễn phí mọi giao dịch chuyển khoản, thanh toán mọi hóa đơn thuận tiện, hạn mức chuyển tiền lên tới 5 tỷ đồng...
Được biết, bên cạnh việc áp dụng lãi suất không kỳ hạn ở mức cao, VPBank còn đang là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao bậc nhất thị trường, lên tới 9,4%/năm.
Theo đại diện VPBank, việc ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất các loại nhằm tri ân và gia tăng lợi ích tối đa cho khách hàng đã tin tưởng và đồng hành với ngân hàng./.