VPBank nhận gói vay 500 triệu USD từ ADB hỗ trợ cho các DNNVV

Nguồn vốn vay từ ADB sẽ giúp VPBank thúc đẩy các chương trình cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và các dự án vốn vay xã hội ở Việt Nam.
VPBank nhận gói vay 500 triệu USD từ ADB hỗ trợ cho các DNNVV ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa ký kết một gói vay trị giá 500 triệu USD để mở rộng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và các dự án vốn vay xã hội ở Việt Nam.

Khoản tài trợ này bao gồm 100 triệu USD vốn vay từ các nguồn vốn thông thường của ADB được dành riêng để tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và khoản vay song song hợp vốn trị giá 300 triệu USD, gồm 100 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC), 100 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ), 100 triệu USD từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Maybank. Gói tài chính cũng bao gồm một quỹ trị giá 100 triệu USD do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) đồng tài trợ và được ký kết vào tháng 10/2021 vừa qua.

[VPBank huy động thành công khoản vay hợp vốn quốc tế 600 triệu USD]

Các khoản vay song song được ADB và SMBC đồng huy động. Hai đơn vị này cũng là các bên đồng chủ trì thu xếp và bảo lãnh chính thức cho quỹ của JICA. Các khoản vay song song sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các dự án vốn vay xã hội. Các khoản vay xã hội tài trợ cho những hoạt động và dự án giúp giải quyết những vấn đề xã hội hoặc đạt được kết quả xã hội tích cực.

Những dự án đủ điều kiện bao gồm các khoản vay của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ cho các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe công và tư, phát triển các cơ sở hạ tầng giáo dục công và tư và hỗ trợ nhà ở giá cả phải chăng.

Ông Ashok Lavasa, Phó Chủ tịch ADB phụ trách nghiệp vụ khu vực tư nhân và quan hệ đối tác công tư chia sẻ: “COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều doanh nghiệp, do đó việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của họ là một bước đi quan trọng để phục hồi sau đại dịch, đặc biệt đối với những doanh nghiệp do phụ nữ điều hành gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn. ADB rất vui được làm việc với VPBank và hợp tác với Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho người vay là phụ nữ chưa được tiếp cận tín dụng ở Việt Nam.”

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa  chiếm tới 40% tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam và một nửa tổng số việc làm. Tiếp cận nguồn tài chính thương mại là một thách thức, đặc biệt đối với người vay là phụ nữ thường phải đối mặt với những hạn chế như thiếu tài sản bảo đảm, hiểu biết tài chính hạn chế, bị ngân hàng coi là có rủi ro cao hơn, và sự thiếu nhận thức chung của các ngân hàng về tiềm năng của thị trường cho phụ nữ.

Gói tài trợ này sẽ giúp VPBank thiết kế những sản phẩm và quy trình mới để tăng cường hỗ trợ của mình cho doanh nghiệp nhỏ và vừa  do phụ nữ làm chủ. Khoản viện trợ không hoàn lại dựa trên hiệu quả hoạt động trị giá 750.000 USD do We-Fi tài trợ sẽ khuyến khích VPBank mở rộng các dịch vụ cho khách hàng vay là phụ nữ và tiến hành một nghiên cứu thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đầu tiên ở Việt Nam về bao trùm tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa  do phụ nữ làm chủ.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho biết: “Các nguồn vốn này sẽ giúp VPBank thúc đẩy các chương trình cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và các công ty cung cấp những dịch vụ khác như y tế, giáo dục, vệ sinh và giao thông, bằng cách giúp họ tiếp cận nguồn vốn với chi phí tương đối thấp.”

VPBank là một trong những ngân hàng cổ phần hàng đầu tại Việt Nam với các nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ, giúp đáp ứng nhu cầu của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa  thông qua việc cung cấp những sản phẩm sáng tạo và phù hợp nhu cầu. VPBank đã phát triển khung tài chính xã hội riêng của mình, phù hợp với các nguyên tắc trái phiếu xã hội và nguyên tắc khoản vay xã hội được quốc tế công nhận, đã được thẩm định và đánh giá bởi Morningstar Sustainalytics, một tổ chức toàn cầu hàng đầu trong nghiên cứu quản trị xã hội môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục