Voyager 2 giúp giới khoa học có khám phá mới về ranh giới hệ Mặt Trời

Hành trình tàu không gian Voyager 2 đến những điểm xa nhất của hệ Mặt Trời trong 42 năm giúp làm sáng tỏ mọi bí ẩn về gió Mặt Trời, từ trường cũng như các tia vũ trụ.
Hình ảnh cho thấy Voyager 1 và Voyager 2. (Nguồn: NASA)

Hành trình tàu không gian Voyager 2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đến những điểm xa nhất của hệ Mặt Trời trong 42 năm đã giúp cho các nhà khoa học có khám phá mới về ranh giới hệ Mặt Trời, nơi đánh dấu nơi kết thúc phạm vi ảnh hưởng của năng lượng Mặt Trời và bắt đầu không gian liên sao.

Năm 1977, Voyager 2 đã được phóng vào không gian một tháng trước “người anh em” Voyager 1.

Tuy nhiên, Voyager 2 (ngày 5/11/2018) mất thêm khoảng 7 năm so với Voyager 1 mới bay vào không gian liên sao cách Mặt Trời khoảng 18 tỷ km.

[NASA lên kế hoạch gửi robot tìm kiếm nước trên Mặt Trăng]

Hiện, cả hai con tàu này đang đi qua không gian liên sao của ngân hà, một vùng lạnh giá giữa các hệ hành tinh và các ngôi sao.

Gió Mặt Trời là luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt Trời, tạo ra bong bóng khổng lồ gọi là Nhật quyển bao bọc và bảo vệ hệ Mặt Trời.

Ranh giới của hệ Mặt Trời là nơi gió Mặt Trời kết thúc và không gian liên sao bắt đầu, được gọi là "heliopause."

Voyager 2 giúp làm sáng tỏ mọi bí ẩn về gió Mặt Trời, từ trường cũng như các tia vũ trụ.

Các nhà nghiên cứu cho biết các công cụ khoa học của tàu Voyager 2 đã phát hiện sự chênh lệch lớn giữa nồng độ plasma và các hạt từ tính khi vượt qua ranh giới của hệ Mặt Trời.

Plasma - trạng thái thứ tư của vật chất ngoài các thể rắn, lỏng và khí - tồn tại trong hệ Mặt Trời.

Theo các nhà nghiên cứu, ranh giới của hệ Mặt Trời dường như mỏng manh hơn nhiều so với dự kiến.

Các nhà khoa học cũng bất ngờ khi phát hiện Voyager 2 mất 80 ngày để vượt qua "rào cản từ trường" ở ranh giới ngoài cùng Nhật quyển, trong khi Voyager 1 chỉ mất 1 ngày.

Giới khoa học đang tìm câu trả lời cho nhiều bí ẩn khác bằng cách so sánh dữ liệu mà 2 tàu không gian trên gửi về Trái Đất.

Được thiết kế để hoạt động trong hàng chục năm, hai tàu không gian hạt nhân Voyager 1 và Voyager 2 không chỉ trở thành các vật thể nhân tạo đầu tiên tiến sâu vào không gian liên sao mà còn có nhiệm vụ khám phá các hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời. Sau 42 năm thực hiện sứ mệnh, cả hai con tàu này vẫn hoạt động mạnh.

Theo kế hoạch, Voyager 2 sẽ hết nhiên liệu và ngừng hoạt động vào năm 2025.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết điều này không có nghĩa là chúng sẽ biến mất mà tồn tại lâu hơn cả Trái Đất.

Mặc dù các dụng cụ khoa học sẽ không còn vận hành để thu thập và gửi tín hiệu về Trái Đất, nhưng Voyager vẫn tiếp tục bay theo quỹ đạo quanh Ngân Hà.

Một khi rời khỏi vùng ảnh hưởng của Hệ Mặt Trời, con tàu sẽ nhập vào một quỹ đạo cố định quanh tâm Ngân Hà và sẽ vĩnh viễn lang thang như vậy đến hàng triệu hay hàng tỷ năm sau nếu không gặp biến cố gì trên đường bay.

Chúng sẽ trở thành sứ giả đầu tiên của loài người bay đến những vùng không gian rộng lớn, xa lạ, đầy bí ẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục