Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Ngô Minh Hiển đã trả lời phỏng vấn báo chí về việc Đài Tiếng nói Việt Nam tích cực đẩy mạnh truyền thông cho người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
- Đài Tiếng nói Việt Nam là một cơ quan truyền thông chủ lực của Chính phủ Việt Nam. Xin ông nêu sơ lược việc Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện Chỉ thị 45 CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài?
Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển: Đài Tiếng nói Việt Nam là một tổ hợp truyền thông đa phương tiện hàng đầu của Đảng, Nhà nước và ngay từ đầu, Đài Tiếng nói Việt Nam đã được tham vấn để giúp Bộ Chính trị xây dựng Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam rất thấu hiểu tinh thần của Chỉ thị và trong suốt thời gian vừa qua đã chỉ đạo rất sát sao việc thực hiện công tác thông tin truyền thông đối với người Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Đài Tiếng nói Việt Nam đã ký biên bản hợp tác với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, được xem là một đơn vị cầu nối để giúp Đài Tiếng nói Việt Nam nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của bà con ở nước ngoài và phản ánh chính xác, khách quan trong các sản phẩm báo chí của Đài.
Hiện nay, chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” của Ban Đối ngoại VOV5 cùng các chương trình truyền hình trên kênh đối ngoại VTC10 được thực hiện đều đặn.
Một điều quan trọng là trong suốt quá trình phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới 13 cơ quan thường trú nước ngoài tại các địa bàn có đông đảo người Việt Nam sinh sống như ở Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Lào, Campuchia.
13 cơ quan thường trú nước ngoài của Đài Tiếng nói Việt Nam ngoài nhiệm vụ thông tin song phương còn là đơn vị đại diện để nắm bắt, thấu hiểu được những tâm tư nguyện vọng của bà con để phản ánh thông tin sát thực nhất.
Việc phản ánh suy nghĩ của nhiều thế hệ cộng đồng người Việt ở nước ngoài về dân tộc, về đất nước đã góp phần giúp Đảng, Chính phủ có thêm những chính sách, quyết sách tốt hơn cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Do đó, Đài Tiếng nói Việt Nam có nhiều chương trình lay động, tình cảm và chân thành quan tâm đến những cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc ở nhiều thế hệ.
- Cụ thể Đài Tiếng nói Việt Nam triển khai công tác tuyên truyền cho người Việt Nam ở nước ngoài trên các loại hình báo chí và nền tảng trực thuộc Đài như thế nào, thưa ông?
Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển: Đài Tiếng nói Việt Nam có rất nhiều kênh sóng, hiện nay, chúng tôi có 8 kênh phát thanh, 17 kênh truyền hình, 2 tờ báo điện tử và một tờ báo in. Ở mỗi loại hình báo chí, chúng tôi đều có những chuyên mục riêng dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là hai phương tiện truyền thông chủ lực là phát thanh và truyền hình.
Các chương trình phát thanh và truyền hình của Đài dành cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc trong nhiều chục năm nay liên tục đón nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp của bà con. Ban Đối ngoại VOV5 phát sóng 13 thứ tiếng, trong đó có chương trình tiếng Việt. Kênh truyền hình đối ngoại VTC10 có 26 mũ chương trình, với khoảng 60.000 phút phát sóng mỗi năm.
Hai tờ báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam là VOV.VN và VTCnews cũng là những sứ giả thông tin thực hiện tinh thần của Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 để tiếp tục đẩy mạnh công tác của người Việt ở nước ngoài. Đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng các sản phẩm báo chí của Đài Tiếng nói Việt Nam đã hướng về khán thính giả mục tiêu và tạo được sự hứng thú, mong chờ của cộng đồng.
- Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác vận động kiều bào thuộc lĩnh vực Đài Tiếng nói Việt Nam phụ trách?
Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển: Trước hết, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan truyền thông có bề dày truyền thống và nhận được sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác, bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và sâu hơn nữa là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Chúng tôi đã ký kết văn bản hợp tác với Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài - nơi nắm bắt nhiều chiều thông tin về cộng đồng người Việt xa xứ và cung cấp cho chúng tôi những thông tin cập nhật để truyền tải vào các chương trình phát thanh, truyền hình và báo điện tử.
Thuận lợi thứ hai là phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam cả ở cả mảng phát thanh, truyền hình, báo điện tử được đào tạo rất bài bản, giàu kinh nghiệm và hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba là với mạng lưới cơ quan thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam ở các địa bàn có nhiều người Việt Nam sinh sống, ngoài chức năng thu thập thông tin địa bàn, họ còn là sứ giả truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con hướng về Tổ quốc.
Một điểm thuận lợi nữa là chúng tôi đã có hợp tác với các cơ quan, hãng phát thanh, truyền hình, thông tin báo chí lớn của thế giới để trao đổi những chương trình phát thanh và truyền hình hay có phụ đề hoặc bằng nhiều thứ tiếng để tiếp cận với nhiều thế hệ người Việt ở nước ngoài, kể cả các thế hệ sau không có cơ hội đi học và sử dụng tiếng Việt thành thạo.
[Người Việt ở nước ngoài tích cực ủng hộ chống dịch COVID-19]
Về khó khăn, ở mỗi quốc gia có một cộng đồng người Việt và có những suy nghĩ riêng, có điều kiện sống riêng và họ hướng về Tổ quốc với nhiều ý nghĩ khác nhau. Do vậy, chúng tôi chưa tiếp cận được những khán giả mục tiêu ở từng địa bàn và để hiểu cụ thể hơn, sâu hơn, phải cần nhiều thời gian hơn nữa.
Một điểm khó khăn lớn trong truyền thông đối ngoại là hiện nay có quá nhiều truyền thông cá nhân. Nếu các cơ quan truyền thông lớn không mang tính chất định hướng, dẫn dắt trong các chủ đề thì bà con dễ thu nhận thông tin không chính thống. Chúng tôi đang nghĩ cách biến khó khăn này thành thuận lợi để trong thời gian tới, chương trình phát thanh, truyền hình và báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam phục vụ tốt hơn cho bà con người Việt ở xa Tổ quốc.
- Xin ông chia sẻ phương hướng triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời gian tới?
Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển: Chúng tôi định hướng nâng cấp Ban Đối ngoại và tăng thời lượng các chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Hiện nay, chương trình được phát sóng trên sóng ngắn, sóng FM, hay thuê chuyển phát, tuy nhiên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh podcast, nền tảng nội dung số để bà con chỉ bằng một cú nhấp chuột có thể xem hoặc nghe các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam, nói về về đất nước, con người Việt Nam, nói về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách dễ hiểu nhất, dễ ngấm nhất. Chúng ta không thể tuyên truyền một cách khô cứng mà phải mềm mại hóa, linh hoạt.
Trên thực tế, với công nghệ 5G và số hóa phát triển thì việc đẩy mạnh nội dung số là rất phù hợp đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Họ có thể tiếp cận được thông tin một cách tự nhiên, thoải mái và theo thời gian, nhu cầu của họ. Điều này cũng mở rộng diện phủ sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đến khắp các châu lục.
- Ông có thể chia sẻ một số hoạt động cụ thể Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện nhằm gắn kết cộng đồng người Việt trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài?
Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển: Thông qua nhiều chương trình phát thanh, truyền hình và Internet, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình hướng về Tổ quốc. Ví dụ, hằng năm Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức sự kiện “Xuân Quê hương."
Trước khi sự kiện diễn ra, chúng tôi có một buổi gặp gỡ bà con Việt kiều ưu tú đại diện cho cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới về dự chương trình. Chúng tôi thực hiện một buổi tọa đàm để trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con thay vì gián tiếp thông qua cơ quan này hay cơ quan khác.
Hay những chương trình thiện nguyện để ủng hộ đồng bào bão lụt, ủng hộ vì Trường Sa thân yêu chẳng hạn, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều tình cảm rất tốt đẹp của bà con xa Tổ quốc hướng về.
Tôi đơn cử như chương trình chúng tôi thực hiện cách đây 2 tuần - chương trình ca nhạc thiện nguyện “Thương về miền Trung."
Khi khúc ruột miền Trung của chúng ta oằn mình trong giông bão thì những bà con Việt kiều là người hưởng ứng tích cực nhất trong đêm nhạc thiện nguyện đó. Nhiều Việt kiều ở Đức, Pháp, Séc về nước và do COVID-19 chưa quay trở lại được đã thành lập mạng lưới kêu gọi anh em, bà con Việt kiều xa Tổ quốc đóng góp qua chương trình.
Sắp tới, chúng tôi sẽ cử 2 đoàn công tác đến các tỉnh miền Trung để chuyển tấm lòng từ thiện này đến với đồng bào khó khăn.
Trân trọng cảm ơn ông./.