Vòng đàm phán Brexit thứ 3 xuất hiện "khoảng cách rất lớn"

Vòng đàm phán lần này sẽ tập trung bàn về quyền lợi của các công dân nhập cư, "hóa đơn ly hôn" và một số vấn đề hóc búa khác như biên giới giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng Bắc Ireland thuộc Anh.
(Nguồn: PA)

Ngày 28/8, các quan chức phụ trách đàm phán đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) tới Brussels để tham dự vòng đàm phán thứ 3 trong tâm thế thúc giục EU đàm phán về quan hệ đôi bên trong tương lai, trong khi phía EU lại muốn đạt được các thỏa thuận về "hóa đơn" cho cuộc chia tách này và một số vấn đề ưu tiên khác trước khi chính thức nói tới quan hệ "hậu ly hôn."

Hơn một năm sau khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, tạo ra cơn chấn động mạnh nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của EU, hai nhà đàm phán chính đại diện cho từng bên sẽ gặp gỡ vào khoảng 15 giờ GMT ngày 28/8 (10 giờ tối giờ Hà Nội ) trước khi các cuộc đàm phán khác tiếp diễn trong hai ngày 29-30/8.

Vòng đàm phán lần này sẽ tập trung bàn về quyền lợi của các công dân nhập cư, "hóa đơn ly hôn" và một số vấn đề hóc búa khác như biên giới giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng Bắc Ireland thuộc Anh. Các kết quả đàm phán sẽ được thông báo trong cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào ngày 31/8.

Trong khi London luôn tỏ ra "nóng lòng" với việc định hình mối quan hệ đôi bên hậu Brexit, thể hiện qua các tài liệu tham luận được công bố trong tuần trước với nội dung xuyên suốt luôn được nhấn mạnh là mọi vấn đề cần đàm phán đều gắn chặt với mối quan hệ song phương trong tương lai. Tuy nhiên, phía EU lại kiên định với kế hoạch bàn thảo các vấn đề "chia tách" trước rồi mới nói đến quan hệ "hậu ly hôn," và cũng đánh tín hiệu rằng khó có thể bắt đầu đàm phán về quan hệ song phương vào tháng 10 tới như dự kiến ban đầu.

Một số nguồn tin phía EU cho biết dù xét về mặt lợi ích, cả hai bên đều mong mỏi tiến trình đàm phán diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, nhưng EU ưu tiên các vấn đề quyền công dân EU sinh sống và làm việc tại Anh cũng như công dân Anh ở các quốc gia khác trong khối và các vấn đề tài chính. Hay việc phân chia biên giới Ireland gắn liền với những lợi ích kinh tế và hoàn cảnh chính trị cũng là vấn đề nhạy cảm xét về lịch sử xung đột tại vùng đất này.

Về tài chính, hai bên cũng còn tồn tại những chia rẽ sâu sắc về số tiền mà London sẽ phải trả cho liên minh khi rời đi để phù hợp với những cam kết được đưa ra từ thuở còn gắn kết. Cả hai bên đều hy vọng vào những bước tiến mới trong vòng đàm phán tuần này, nhưng cả hai cũng đều hiểu thời gian đang là thách thức lớn nhất để có thể hoàn tất mọi thủ tục đàm phán và phê duyệt ở mỗi bên, kết thúc tiến trình "ly hôn" tốt đẹp vào tháng 3/2019, hai năm sau khi Anh chính thức đệ đơn lên EU để "tìm lối đi riêng."

[Anh kêu gọi EU linh hoạt trong các cuộc đàm phán về Brexit]

Trong một diến biến liên quan, cùng ngày, quan chức phụ trách vấn đề Brexit của vùng lãnh thổ Scotland thuộc Anh Michael Rusell cảnh báo London nên loại bỏ phương án rời EU mà không có một thỏa thuận nào về quan hệ tương lai với EU, coi đây là điều "không thể tưởng tượng nổi."

Ông Michael Rusell cho rằng những tài liệu tham luận chính phủ Anh công bố trước thềm vòng đàm phán thứ 3 cho thấy dù đã nhận ra những lợi ích của việc duy trì tư cách thành viên EU, nhưng chính quyền trung ương nghĩ rằng những lợi ích này có thể tồn tại ngay cả khi rời khỏi Thị trường chung hay Liên minh thuế quan. Quan chức này cho rằng việc London theo đuổi chính sách này thể hiện không tuân thủ cam kết tham khảo ý kiến các vùng lãnh thổ như Scotland, Bắc Ireland và Xứ Wales, không "màng tới" quan điểm của những khu vực này.

Scotland ủng hộ Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử năm 2016, mong muốn Anh sẽ vẫn tiếp tục ở lại Thị trường chung và Liên minh thuế quan sau khi rời EU. Tuyên bố mới của phía Scotland khá tương đồng với quan điểm mà Công Đảng đối lập công bố một ngày trước đó, và một lần nữa tạo thêm sức ép đối với chủ trương của Thủ tướng Theresa May "thà không thỏa thuận còn hơn một thỏa thuận tồi"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục