Nói về vai trò của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo ở địa phương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh Lưu Văn Minh, cho biết trong tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh những năm qua là hơn 7.000 tỷ đồng, riêng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 5.210 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, kinh tế-xã hội toàn tỉnh Hà Tĩnh thêm đà phát triển, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp sức, đã chủ động, hăng hái chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong thâm canh đồng ruộng, chăm sóc quản lý rừng và nuôi trồng đánh bắt hải sản. Trong 5 năm qua, tỉnh Hà Tĩnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước với tỷ lệ hộ thoát nghèo khá ngoạn mục, từ mức 11,4% đầu năm 2016 xuống 3% cuối năm 2020.
[NHCSXH: Tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương do COVID-19]
Ở miền biển Cẩm Xuyên, nhờ được tiếp cận thuận lợi 515 tỷ đồng vốn chính sách nên có nhiều loại hình kinh tế được xây dựng, làm ăn khấm khá, nhiều tấm gương sáng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ở khắp 27 xã trong toàn huyện.
Đó là gia đình người thương binh Ngô Văn Thanh ở thôn Yên Thành, xã Cẩm Nam được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng sự động viên của bà con chòm xóm và anh em đồng đội cũ, đã đầu tư nuôi bò sinh sản, trồng rau quả sạch trong nhà lưới, thu nhập tới ngót 200 triệu đồng/năm, thoát cảnh nghèo túng, trả hết nợ nần và chăm lo cho 2 người con vào tận thành phố Huế học đại học.
Còn ở xã Phúc Đồng, huyện miền núi Hương Khê, mọi người nhắc đến anh Phạm Xuân Nghị như một hình mẫu về giảm nghèo bền vững. Sinh ra ở làng quê đất đai cằn cỗi, sỏi đá, nhưng vốn là một người có ý chí, dám nghĩ dám làm, anh Nghị quyết tâm phát triển trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống.
Vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo từ năm 2015 của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Nghị đã cải tạo đất đồi trọc thành vườn cây ăn quả xanh tốt, mùa vụ bội thu, để bốn năm sau hoàn trả hết số tiền vay ngân hàng, xây nhà cao ráo vừa an tâm lập nghiệp, vừa tránh cả lũ lụt, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản. Anh Nghị không dừng lại với kết quả ban đầu và mạnh dạn vay tiếp vốn ưu đãi dành cho hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Đến nay, gia đình anh Nghị đã có đànbò 15 con, ao cá rộng 1.200m2, cùng rừng keo 5ha, vườn cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch 3ha, tạo nguồn thu ổn định 250 triệu đồng/năm.
Ấn tượng trong bức tranh kinh tế ở vùng núi biên giới Hương Khê hiện tại là có gần 6.000 hộ làm kinh tế vườn, với diện tích trên 7.000ha, thu về ngót 650 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh... Thành quả này minh chứng cho sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc cùng sự chung sức, hợp lực của nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, biến khó khăn thành động lực thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn từ 14 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành động lực quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Thực tế 19 năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách như địa bàn hoạt động phức tạp với vùng cao biên thùy, miền biển dài rộng có nhiều làng, xã khó khăn và đông hộ nghèo sinh sống, cùng những khắc nghiệt về thiên tại hạn hán, bão lũ thường xuyên, gần đây là rủi ro về môi trường ô nhiễm, dịch bệnh COVID-19 bùng phát hoành hành. Thế nhưng, những người làm tín dụng chính sách trên mảnh đất này không hề nản lòng, đoàn kết quyết tâm huy động các nguồn vốn từ Trung ương, ở trong nước, ngoài nước, đặc biệt chủ động khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa phương.
Theo ông Lưu Văn Minh, mặc dù vẫn còn là một tỉnh nghèo nhưng từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Hà Tĩnh đã có 3 lần bổ sung vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội đến 157,2 tỷ đồng, riêng từ đầu năm 2021 đến nay tăng 25,4 tỷ đồng, góp phần nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh lên 5.149 tỷ đồng.
Toàn bộ nguồn vốn lớn đó đã được những người làm tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh đưa về kịp thời tới tận tay các hộ nghèo, các gia đình chính sách khác thông qua hệ thống 216 điểm giao dịch tại xã và mạng lưới 3.174 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp làng xóm, khu phố. Đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa tăng cường ứng phó, phòng, chống dịch COVID-19 tốt, vừa tập trung huy động vốn nhanh, đảm bảo dòng vốn thông suốt, chảy đều đặn, an toàn đến mọi nơi, mọi lúc.
Trong những ngày này, toàn đơn vị từ tỉnh đến huyện, từ giám đốc đến nhân viên tín dụng chính sách không quản ngại thiên nhiên khắc nghiệt, dịch bệnh lan rộng, vẫn khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết mới của Chính phủ về việc cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất kinh doanh cho người lao động chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 đồng thời tổ chức giao dịch bù các phiên giao dịch trong các tháng Sáu, Bảy phải hoãn do dịch bệnh./.