Vốn tín dụng chính sách: Dành phần vốn thích đáng cho người nghèo

Bên cạnh việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được tăng lên, đi đúng vào đúng đối tượng và nợ quá hạn chỉ 0,4%, hầu như không có nợ xấu.
Gia đình ông Yaga, dân tộc K’ho ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) được vay 30 triệu đồng đầu tư chăm sóc cà phê và hồ tiêu. (Ảnh: Trần Việt/Vietnam+)

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.                                 

Mặc dù vậy, nguồn vốn dành cho chương trình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn, cấp đủ nguồn vốn để giúp cho các địa phương nơi có nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông, đường xá, xây dựng những chuỗi sản phẩm theo chuỗi giá trị đồng bộ...

Chất lượng tín dụng tăng

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Bên cạnh việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được tăng lên, đi đúng vào đúng đối tượng. Trong khi nợ xấu của nền kinh tế lớn thì của chương trình tín dụng này, nợ quá hạn chỉ 0,4% và nợ khoanh chỉ 0,33%, hầu như không có nợ xấu.

[Vốn tín dụng chính sách: ‘Bà đỡ’ cho hộ nghèo, hộ khó khăn]

Phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Có thể nói Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015-2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.”

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.

Điều này được chứng minh trong những năm qua các cấp Hội Nông dân luôn đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định khẳng định việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách đã thúc đẩy họ tìm cách làm ăn, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần sự ỷ lại để vươn lên thoát nghèo.

Năm năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách được ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho trên 3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 132.472 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho trên 12.000 lượt lao động, trên 2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường và hơn 115.000 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng..., góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 từ 5,97% xuống còn 5,5% vào cuối năm 2018 và thiết thực đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Còn Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá chương trình tín dụng chính sách đã tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn. Đây là một trong 4 trụ cột quan trọng để giảm nghèo (đất đai, sức lao động, trí lực và điều kiện hạ tầng kinh tế, tín dụng).

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với bà con dân tộc. (Ảnh: CTV)

Tập trung các nguồn lực cho người nghèo

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách... Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa chương trình tín dụng chính sách, Phó Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách để tạo điều kiện đảm bảo nguồn vốn cho vay, giúp ngân hàng này thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ ngân hàng tìm kiếm các nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay, nhất là các nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức quốc tế, nguồn vốn của các địa phương dành cho công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm.

Còn Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhâ dân các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

“Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Một số tỉnh đã cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay,” Phó Thủ tướng kêu gọi.

Phó Thủ tướng đề nghị năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. Mặt trận Tổ quốc mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn manh, các địa phương thuộc khu vực dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng dự án đặc thù, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, vùng miền, đồng thời bố trí vốn đầu tư phù hợp đạt hiệu quả thiết thực. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đảm bảo theo hướng đáp ứng đủ nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh phát huy hiệu quả cao nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục