Vốn FDI vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 trong số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất.
Dây chuyền sản xuất tai nghe cho điện thoại thông minh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Glonics Việt Nam với 100% vốn FDI Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang tiếp tục tìm đường vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí... Điều này được dự báo sẽ giúp cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vươn lên trong những năm tới, nếu Việt Nam có chính sách một cách hiệu quả.

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, lũy kế đến tháng 8/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 trong số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 190,56 tỷ USD, chiếm 57% tổng vốn đầu tư. 

Nhiều chuyên gia cho rằng sự chuyển dịch về đầu tư đã có sự thay đổi tích cực qua nhiều năm, tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo cho hay FDI là kênh thu hút đầu tư hiệu quả, nếu Việt Nam có các chính sách hợp lý, hướng mũi nhọn vào các ngành chế tạo phù hợp. Đầu tư nước ngoài sẽ kéo theo sau đó cả công nghệ, vốn và sự quản trị từ các tập đoàn công nghiệp lớn mạnh. Từ đó, giúp doanh nghiệp Việt và ngành chế biến, chế tạo Việt từng bước vực dậy.

Tuy nhiên, giáo sư Trần Văn Thọ cũng chỉ ra nếu các chính sách thu hút FDI không khéo thì ngành cơ khí chế tạo nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng sẽ không thể hấp thụ được nguồn lực về công nghệ và khả năng kinh doanh. Bởi ngoại lực quan trọng, nhưng chính nội lực sẽ giúp doanh nghiệp trong nước giữ vững thị trường, phát triển.

Theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), ở Việt Nam, nhiều nhà quản lý kinh tế vĩ mô, cũng như một số chuyên gia trong, ngoài nước cho rằng vai trò và sự phát triển của công nghiệp cơ khí Việt Nam đã hết thời, hiện tại là thời của công nghệ số, của mạng. Trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất trong nước vẫn lạc hậu so với thế giới.

Phần lớn doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn đang sản xuất ở trình độ công nghệ 2.0 - công nghệ và quản lý sản xuất mà các nước công nghiệp thế giới đã bỏ qua.

[30 năm thu hút FDI: Tạo sức hút đầu tư lớn cho ngành dệt may]

Hiện tại, chỉ rất ít doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đạt trình độ công nghiệp 3.0 (trừ các doanh nghiệp FDI). Cùng với đó, khu vực FDI đầu tư vào Việt Nam suốt chục năm qua hoạt động độc lập chưa có sự liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong nước...

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết trong suốt 15-20 năm qua, ở lĩnh vực chế tạo máy, do ít được đầu tư và thu hút đầu tư còn yếu nên Việt Nam chưa xây dựng thêm một nhà máy mới nào về chế tạo máy. Điều này khiến cho ngành cơ khí nước nhà phát triển lệch.

Chỉ vài năm trở lại đây, lĩnh vực chế biến, chế tạo mới nhận được sự quan tâm đáng kể. Có thể kể đến như mới đây, nhiều doanh nghiệp thuộc Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch chuyển sản xuất trong lĩnh vực máy móc, thiết bị, máy công cụ và các ngành công nghiệp gia công kim loại từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Sankyo Việt Nam (Nhật Bản) trong Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Thủy Trung, cần tiếp tục kêu gọi mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cơ khí, đặc biệt là vốn đầu tư từ khu vực FDI (các dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư 2014).

Đặc biệt, các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước ngành cơ khí theo quy định của pháp luật hiện hành, để thu hút vốn đầu tư và tạo dựng phương thức mới quản trị doanh nghiệp.

Giáo sư Trần Văn Thọ cũng đề xuất về diện rộng, cần nghiên cứu và tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn; đồng thời đối thoại với các tập đoàn lớn sản xuất cơ khí, chế tạo máy... để khuyến khích họ mở rộng đầu tư.

Về chiều sâu, theo giáo sư Trần Văn Thọ, cần thay đổi chiến lược tiếp nhận FDI và tiếp cận với công nghệ của thế giới. Chỉ cấp giấy phép cho những dự án có công nghệ cao và đóng góp trực tiếp vào việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao. Ngoài ra, khuyến khích các dự án liên doanh với doanh nghiệp bản xứ và ưu tiên kêu gọi FDI từ những công ty có uy tín trên thế giới về thanh danh, công nghệ...

Việt Nam đang có điều kiện hết sức thuận lợi trong việc thu hút vốn FDI trong chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi cần có sự chọn lọc trong việc thu hút FDI, đặc biệt là chuyển từ số lượng sang chú trọng nhiều hơn vào chất lượng của dòng vốn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục