Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cao

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến hết tháng 5/2024, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trên địa bàn tỉnh đã đạt 82,1% so với kế hoạch năm 2024.

Công nhân làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Izumi MFG Việt Nam có vốn 100% của Nhật Bản tại Khu Công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Công nhân làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Izumi MFG Việt Nam có vốn 100% của Nhật Bản tại Khu Công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Tính đến hết tháng Năm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1.642 triệu USD, tăng gấp 12,6 lần so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng của thu hút FDI tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nhiều nhà đầu tư FDI lớn chọn Bà Rịa-Vũng Tàu

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến hết tháng 5/2024, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trên địa bàn tỉnh đã đạt 82,1% so với kế hoạch năm 2024.

Tỉnh có 18 dự án FDI đăng ký mới, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt hơn 1.521 triệu USD, tăng gấp 42 lần so với cùng kỳ; 9 dự án điều chỉnh tăng vốn đạt hơn 120 triệu USD, tăng gấp 1,3 lần so với cùng kỳ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 475 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 33.190 triệu USD, trong khu công nghiệp có 302 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 15.495 triệu USD và ngoài khu công nghiệp có 173 dự án với tổng vốn đăng ký gần 17.700 triệu USD.

Vốn FDI vào tỉnh tăng mạnh nhờ nhiều dự án đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn đa quốc gia của các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Giữa tháng Năm vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Electronic Tripod Việt Nam thuộc Tập đoàn Tripob, Đài Loan (Trung Quốc) chính thức ký hợp đồng thuê đất tại Khu Công nghiệp Sonadezi Châu Đức với diện tích 18ha. Đây là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất bo mạch điện tử với doanh thu hàng tỷ USD/năm.

Tại Châu Đức, Tripob triển khai xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, nằm trong kế hoạch mở rộng và phát triển ngành điện tử công nghệ cao trên toàn thế giới. Đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất các loại mạch và bảng mạch điện tử với công suất 372.000 m2, tương đương 1.800 tấn/năm. Dự án này sẽ tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động tay nghề cao trên địa bàn tỉnh. Nhà máy của Tripob là dự án có quy mô, sử dụng công nghệ cao lớn nhất đầu tư vào Khu Công nghiệp Sonadezi từ trước đến nay.

ttxvn-ba-ria-vung-tau-2-2730.jpg
Công nhân trong ca làm việc tại nhà máy Công ty TNHH Chang Chun Vina, Cụm Công nghiệp An Ngãi, huyện Long Điền. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Sau nhiều năm, nhà máy vận hành hiệu quả, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vard Vũng Tàu, có trụ sở tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Vard (Na Uy) đã triển khai thêm dự án Nhà máy Chế tạo cơ khí và kết cấu thép trên diện tích 15,3ha với các hạng mục: cảng công suất 5.000 DWT, bãi ghép tàu, đường trượt tàu, nhà kho hậu cần, các xưởng vỏ, bảo trì, sơn và xưởng điện.

Ông Sivert Skam, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vard Vũng Tàu, cho biết dù gặp một số khó khăn nhưng nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ của các nhà thầu và đội ngũ vận hành cùng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Vard Vũng Tàu đã hoàn thành và đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ đề ra.

"Chúng tôi đang có đơn hàng đóng 16 chiếc tàu cho đối tác, có việc làm đủ đến đầu năm 2027. Việc đầu tư xây mới, mở rộng Nhà máy Chế tạo cơ khí và kết cấu thép góp phần đáp ứng cho khối lượng công việc sẽ tiếp tục tăng thêm này. Nhờ hoạch định kế hoạch rõ ràng, doanh nghiệp có việc làm ổn định cho người lao động trong dài hạn," ông Sivert Skam nói.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tập đoàn WHA - một trong những doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan trong đầu tư hạ tầng khu công nghiệp - đánh giá rất cao tiềm năng phát triển công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và mong muốn được đầu tư một dự án khu du lịch sinh thái, thông minh có quy mô 1.200ha tại địa phương huyện Châu Đức trong thời gian tới.

Đại diện Tập đoàn WHA nhận định huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế về vị trí địa lý, gần cảng Cái Mép-Thị Vải, Sân bay Quốc tế Long Thành. Lợi thế này sẽ được nhân lên nhiều lần sau khi các dự án hạ tầng liên kết vùng được hoàn thành. Những "chi tiết nhỏ" khác như đây là địa phương ở vùng đất cao ráo, ít nguy cơ ngập úng, môi trường sống trong lành cũng đã "thêm điểm" để hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư FDI.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong lễ khởi công nhà máy thiết bị điện tử đầu cuối thông minh tại Khu Công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ vào thời điểm cuối tháng Tư vừa qua, ông Trần Viêm Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ BOE (Trung Quốc) bày tỏ ấn tượng và cảm ơn lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp có thể triển khai dự án một cách nhanh chóng hơn mức kỳ vọng. Đây là dự án có tổng vốn hơn 275 triệu USD.

Lời cảm ơn của doanh nghiệp không phải mang tính chất xã giao. Bởi vì cuối năm 2023, lãnh đạo Tập đoàn BOE mới có buổi gặp gỡ đầu tiên để thông tin tới lãnh đạo tỉnh về mong muốn đầu tư dự án tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Chưa đầy 4 tháng sau, dự án đã được khởi công xây dựng. Điều này cho thấy sự rốt ráo hỗ trợ, đồng hành của tỉnh với doanh nghiệp để dự án được triển khai thuận lợi.

ttxvn_FDI vung tau 1.jpg
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 3 giới thiệu các thiết bị sản xuất với lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. ( Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông tin hơn 30 năm kể từ khi thành lập, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư trong và ngoài nước có chọn lọc, các dự án xanh, thân thiện với môi trường.

Để nỗ lực thu hút các dự án đầu tư và kiên trì với mục tiêu đề ra, Bà Rịa-Vũng Tàu tục tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, với mục tiêu tạo ra môi trường, hệ sinh thái kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, công bố rộng rãi các dự án tỉnh đang kêu gọi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thời gian qua, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng, hiệu quả công việc của chính quyền các cấp, tỉnh đã ban hành kế hoạch rút ngắn từ 35-40% thời gian giải quyết hồ sơ so với quy định của 800 thủ tục; cung ứng 100% thủ tục đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó có hơn 400 thủ tục toàn trình.

Cùng với cải cách hành chính, tỉnh đang hướng đến sự phát triển dài hơi, bền vững trong tương lai với việc đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến giao thông kết nối.

Các dự án trọng điểm như: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường 991B, cầu Phước An, hay đường ven biển ĐT994… đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện, đồng bộ giao thông kết nối liên vùng, nội tỉnh; góp phần phát huy nội lực của các huyện, thị xã, thành phố theo định hướng của quy hoạch tỉnh trong tương lai. Khi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ở vị trí đắc địa lại càng đắc địa hơn, tạo ra lợi thế và sức hút với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tầm cỡ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định ngoài việc duy trì các chỉ số, phần việc đã làm tốt, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc khơi thông các điểm nghẽn trong cơ chế; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa các chỉ số như PCI, PAPI, PAR-index ngày càng tốt hơn nữa.

"Chính quyền Bà Rịa-Vũng Tàu luôn nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm thành công của doanh nghiệp là thành công của chính quyền tỉnh," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cam kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục