Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong tháng 7, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực triển khai, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh thực hiện trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7/2022 ước đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 42,3% và tăng 6,3%); trong đó, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý ước đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% kế hoạch năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở nhóm bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về thực hiện vốn đầu tư công trong giai đoạn với khối lượng hơn 21,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn, vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 195,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1% kế hoạch năm và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với thống kê thời điểm nửa đầu năm, phần vốn đầu tư thực hiện của địa phương đã tăng thêm hơn 37 nghìn tỷ đồng.
Trong phần vốn địa phương, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 128,5 nghìn tỷ đồng, bằng 42% và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện huyện đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% và tăng 20,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% và tăng 7,4%.
Ở nhóm địa phương, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh là một số địa phương có vốn thực hiện khá trong 7 tháng; trong đó, Hà Nội có lượng giải ngân đạt gần 24 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2021.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có cuộc họp đôn đốc 12 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
[Nhiều dự án công đang thực hiện phần thô, giá trị giải ngân vốn thấp]
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo thực hiện thật tốt giải phóng mặt bằng; đồng thời, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.
Cùng với đó, đề nghị các địa phương tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị với kết quả giải ngân; tiếp tục xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc giao ban định kỳ hằng tháng về giải ngân vốn đầu tư công để phát hiện các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.
Theo tổng hợp từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các khó khăn vướng mắc vẫn là do: giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; đối với các dự án khởi công mới, nhiều công trình đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng. Một số dự án được bố trí nhiều vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ rất chậm; các dự án cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến thể chế…
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là do việc tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; chuẩn bị dự án chất lượng thấp nên vướng mắc khi triển khai; thẩm định, tư vấn còn chậm.
“Việc giải ngân chậm là do nhiều nguyên nhân, mỗi bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Do đó, các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nên phải nhanh, hiệu quả và đảm bảo đúng pháp luật.”, Phó Thủ tướng cho biết./.