Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2022, có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 390,1 triệu USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 61,9 triệu USD, giảm 85,5%.
Số vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do có 5 dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng Vines sang Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, mỗi dự án có số vốn hơn 34,68 triệu USD.
Tính chung trong 10 tháng, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 452,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 224 triệu USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 42,8 triệu USD, chiếm 9,5%; hoạt động khai khoáng đạt 39,8 triệu USD, chiếm 8,8%.
Trong 10 tháng năm 2022, có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Singapore là nước dẫn đầu với 75,3 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư; Lào 70 triệu USD, chiếm 15,5%; Hoa Kỳ 38,2 triệu USD, chiếm 8,5%; Đức, Hà Lan, Pháp cùng đạt 34,7 triệu USD, cùng chiếm 7,7%...
Lũy kế đến ngày 20/10, Việt Nam đã có 1.594 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 21,68 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,1%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,9%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào, Campuchia, Venezuela…
Đối với Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào đã có sự phát triển không ngừng. Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
[Infographics] Việt Nam thu hút hơn 22,46 tỷ USD vốn FDI
Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Hiện, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.
Nổi bật trong năm 2021, một số một số dự án lớn, quan trọng đã được phía Lào tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: dự án cảng Vũng Áng, thủy điện Luang Prabang, Xekaman 3, muối mỏ Kali, sân bay Noong-khảng…/.